Hàng nghìn lao động đối diện với thất nghiệp
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 415 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.749 tỉ đồng; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 210 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 383 doanh nghiệp; doanh nghiệp giải thể là 60 doanh nghiệp.
Đặc biệt, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 5.766 người, trong đó nghỉ việc phần lớn do chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, chiếm 48,7% và do hết hạn hợp đồng lao động chiếm 39,8%. Qua khảo sát thực tế, số lao động bị cắt giảm trong thời gian qua là khoảng 2.255 lao động, với 16 doanh nghiệp.
![]() |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 5.766 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: TRƯỜNG SƠN. |
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tình trạng cắt giảm lao động hiện tại trên địa bàn tỉnh mang tính cục bộ, tập trung ở những lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến gỗ và vẫn trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu kéo dài, số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tiếp tục tăng và lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới nếu không có những giải pháp đúng đắn, kịp thời.
Với thực trạng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phục hồi và ổn định thị trường lao động; tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Cùng với đó, đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.
Để có những giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm trong thời gian qua, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã có các giải pháp nhằm tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Đến nay, Sở đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 5.416 người, với kinh phí 94.849,4 triệu đồng và hỗ trợ học nghề cho người lao động, với kinh phí 2.431,8 triệu đồng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường lao động, nhất là thị trường lao động nước ngoài vốn là thế mạnh lâu năm của tỉnh để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy nhanh các thủ tục, cắt giảm chi phí nhằm tạo uy tín về thương hiệu nguồn nhân lực đưa lao động đi làm việc nước ngoài”, ông Dần nói.
Mở rộng thị trường lao động ra nước ngoài
Nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong nước, Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết nối, hợp tác và triển khai các chương trình để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn, phối hợp với các doanh nghiệp có năng lực, uy tín, có hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở các nước có tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ổn định và có chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động.
![]() |
Doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tư vấn cho người lao động. Ảnh: TRƯỜNG SƠN. |
Các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sự hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với ngành và các địa phương chủ động tìm hiểu, giải đáp thắc mắc cho người lao động để người lao động hiểu rõ điều kiện, chi phí, quyền và nghĩa vụ khi đi làm việc ở nước ngoài.
Kết quả từ năm 2021 đến nay, đã có 2.912 lao động đi làm việc nước ngoài; đặc biệt chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 1.240 lao động đi làm việc nước ngoài, đạt 62% kế hoạch năm. Người lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở đã đặt ra chỉ tiêu trong năm 2023 phải giải quyết việc làm cho 17.000 lao động trên toàn tỉnh trong năm 2023, trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt chỉ tiêu này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động trong và ngoài nước theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình Việc làm của tỉnh và quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay năm 2023. Qua đó, đã bố trí 10 tỉ đồng để cho vay với mục đích tạo việc làm ở trong nước và 10 tỉ đồng để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho 234 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với kinh phí hơn 448 triệu đồng.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Người lao động không những có thu nhập cao, ổn định mà còn nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong lao động công nghiệp.
“Sau khi người lao động được đào tạo những kỹ năng cơ bản hoặc kết thúc hợp đồng về nước, sẽ có một đội ngũ lao động có chất lượng cao về chuyên môn, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, biết vận dụng những kiến thức, công nghệ để về làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định.
![]() Nhiều doanh nghiệp uy tín tại tỉnh Quảng Trị có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động trong tháng 8/2023, với nhiều vị trí ... |
![]() Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023 trong 4 ngày liên tục. |
![]() Tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả sẽ giúp đoàn viên, người lao động (NLĐ) biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, ... |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
