![]() |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống người công nhân hiện rất khó khăn. Tổ chức Công đoàn các cấp đã rất nỗ lực khai thác các nguồn vốn hỗ trợ, song chưa thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của đoàn viên, người lao động. Ảnh baomoi.com |
Nếu có câu hỏi, trên mạng xã hội công nhân phổ biến nhất điều gì, câu trả lời sẽ là: Nhu cầu tìm việc làm, phòng trọ, cho vay tín dụng, các vụ tệ nạn và dịch vụ làm giấy tờ giả. Đó là những vấn đề xuất hiện với tần xuất dày đặc trên tất cả các mạng xã hội công nhân.
Và không chỉ mạng xã hội công nhân, bằng cách nào đó, tôi cũng như nhiều người tham gia mạng xã hội đều không ít lần được mời chào vay tiền với lời quảng cáo thủ tục thuận tiện, dễ dàng, tiền về tài khoản ngay trong ngày. Có khi còn kèm lời hứa không gọi điện đòi nợ bạn nè, người thân; có nhu cầu vay thêm hay gia hạn cũng dễ dàng được đáp ứng.
![]() |
Những quảng cáo cho vay vốn như thế này xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội công nhân. Ảnh chụp từ Facebook |
Chỉ cần “trót” like một bài, hay bình một lời nào đó trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể lập tức được dán một quảng cáo cho vay tín dụng, thủ tục, lãi suất khá hấp dẫn. Tất nhiên, mức lãi suất không hấp dẫn như vay ngân hàng nhưng với thủ tục nhanh gọn, tiền nhận ngay và luôn. Với những khoản vay không quá lớn, trong khi nhu cầu cấp bách thì đây là một lựa chọn khó có thể chối từ. Và vì thế vô cùng nguy hiểm.
Nguy hiểm hơn nữa là đời sống người công nhân đang rất khó khăn. Hàng chục triệu người lao động đã và đang tiếp tục mất việc, giảm việc, nghỉ việc luân phiên, thu nhập của họ bị giảm sút nghiêm trọng, trong khi nhu cầu chi tiêu không giảm. Đây là đối tượng hàng đầu “tín dụng đen” nhắm tới. Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi quảng cáo cho vay tiền lại xuất hiện nhiều đến thế trên mạng xã hội công nhân.
![]() |
Lúc khó khăn, đoàn viên, người lao động có thể trông đợi sự giúp đỡ từ tổ chức Công đoàn. Trong ảnh, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam đang hướng dẫn đoàn viên làm thủ tục vay vốn. Ảnh baodongnai.com.vn |
Trong lúc vợ yếu, con đau, người thân mắc bệnh hoặc các hóa đơn tiền điện, nước, tiền nhà đã chực chờ hàng tuần và bị thúc giục, người công nhân xoay xở vay nóng từ những người quen không được thì có thể tặc lưỡi, nhắm mắt đưa chân, liều vay tạm một khoản từ các kênh tín dụng đáng ngờ này. Và thế là “chiếc bẫy” treo lơ lửng đã sập xuống. Một khi “dính” vào “tín dụng đen”, người vay sẽ căng thẳng quay cuồng với một mớ lùng nhùng thôi thúc hàng ngày phải trả gốc, trả lãi không dễ gì thoát được. Đã có người phải trốn chạy, tự tử; đã nhiều người bị xiết nợ đến không còn một thứ gì.
Tổ chức Công đoàn đã sử dụng khoản kinh phí kết dư hỗ trợ người lao động; bảo lãnh với ngân hàng cho người lao động vay; hoãn, miễn kinh phí công đoàn với đoàn viên có thu nhập dưới mức lương tối thiểu… Nhiều cấp công đoàn sáng tạo những cách làm khác nhau nhằm hỗ trợ vốn tốt nhất cho đoàn viên, người lao động trong phạm vi có thể. Chính phủ cũng đã bổ sung một nguồn tiền lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp cung cấp vốn cho các đối tượng chính sách; song vẫn chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu của người công nhân.
![]() |
Cơ quan Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) bắt giữ 11 nghi can trong đường dây cho vay nặng lãi, đối tượng của chúng là công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh vov.vn |
Dự báo tình hình sản xuất thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn nữa; đời sống, việc làm của người công nhân vẫn không mấy sáng sủa. Đây là mảnh đất “màu mỡ” cho “tín dụng đen” bùng nổ, len lỏi, chi phối, lũng đoạn, kiếm lợi trên nỗi vất vả, thống khổ của người lao động. Công nhân, người lao động cần hết sức cảnh giác với mối nguy tiềm ẩn từ dịch vụ “tín dụng đen” này.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
