![]() |
Kinh phí công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động công đoàn |
Nhiều địa phương không hoàn thành kế hoạch thu
Theo Luật Công đoàn năm 2012, mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương, mức lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Theo đó, các doanh nghiệp, định kỳ hằng tháng phải đóng kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên cơ sở. Với số tiền kinh phí công đoàn này, công đoàn cấp trên cơ sở sẽ trích lại cho CĐCS 65% để hoạt động.
Tại các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, 65% kinh phí công đoàn nêu trên sẽ được công đoàn cấp trên cơ sở giữ lại và trả lại cho doanh nghiệp đó khi thành lập được tổ chức CĐCS.
Quy định là pháp luật là thế. Song thực tế, suốt thời gian qua, việc triển khai thu phí công đoàn tại các cơ sở doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Nhiều địa phương luôn trong tình trạng không hoàn thành được chỉ tiêu, định mức, mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo số liệu báo cáo từ hội nghị tổng kết thi đua năm 2018 của Cụm thi đua 12 LĐLĐ tỉnh/thành khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, kết quả thu kinh phí công đoàn khu vực doang nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 49,32%. Thực tế khó khăn trong việc thu kinh phí công đoàn các doanh nghiệp ngoài nhà nước của Cụm thi đua 12 LĐLĐ tỉnh/thành khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cũng là khó khăn chung của LĐLĐ tỉnh, thành khác trên cả nước.
Tại LĐLĐ tỉnh Quảng Bình, tính đến cuối năm 2018, thu kinh phí công đoàn qua Kho bạc Nhà nước là 22,2 tỷ đồng (đạt 75,1% kế hoạch); trong đó thu thu kinh phí công đoàn tại các đơn vị sản xuất kinh doanh là 720 triệu đồng (chỉ đạt 35,46 % kế hoạch). Riêng đối với các đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì việc thu thu kinh phí công đoàn vẫn chưa thực hiện được.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Thực tế hiện nay, việc thu kinh phí công đoàn đang vướng nhiều ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhất là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động mang tính chất gia đình, hợp tác xã, sản xuất kinh doanh không ổn định hoặc những doanh nghiệp có địa điểm hoạt động không rõ ràng gây khó khăn cho cán bộ công đoàn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động thu kinh phí công đoàn theo quy định.
Bên cạnh những nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, thì việc khó thu kinh phí công đoàn cũng xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khác. Đó là công tác nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp chưa tốt, nhiều cán bộ công đoàn không sát sao, dẫn tới việc bỏ sót đối tượng quản lý thu. Đặc biệt Điều 24C, Nghị định 88/2015/NĐ-CP đã quy định “Người sử dụng lao động có thể bị phạt tối đa 75 triệu đồng đối với hành vi không đóng kinh phí công đoàn”. Bên cạnh đó, công đoàn hoàn toàn có thể khởi kiện nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, nhìn chung đến nay các cấp công đoàn cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng kinh phí công đoàn. Việc này dẫn tới doanh nghiệp tiếp tục coi thường pháp luật, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp không được cải thiện và nâng cao…
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, hiện tại một số địa phương đã tìm được một số giải pháp hiệu quả. Tại Hà Nội có chương trình phối hợp số 02/CTPH/LĐLĐ-CT giữa LĐLĐ Thành phố và Cục Thuế Hà Nội. Thông qua nội dung tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật thuế và pháp luật Công đoàn; hỗ trợ, phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin để tăng cường công tác quản lý; phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trích, đóng kinh phí công đoàn…
Tại TP. Hồ Chí Minh việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng kinh phí công đoàn cũng thu được kết quả khả quan. Riêng LĐLĐ huyện Bình Chánh, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã khởi kiện 25 doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn. Kết quả, qua công tác hòa giải tại tòa trước khi xét xử, đã có 19 doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn với số tiền gần 5,67 tỉ đồng.
Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán cải thiện việc thu kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trước hết các công đoàn cấp trên cơ sở phải coi trọng việc phân công cán bộ chuyên trách công đoàn theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động CĐCS và thu kinh phí công đoàn. Phải chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng như Tài chính, Thuế, Kho bạc, BHXH, LĐ-TB và XH… để có thông tin, số liệu chính xác về đơn vị, quỹ lương đóng BHXH của doanh nghiệp, lấy đây làm cơ sở tính toán kinh phí công đoàn của doanh nghiệp đó; đôn đốc, đối chiếu, thông báo thu kinh phí công đoàn hằng tháng, hằng quỹ. Tăng cường phối hợp với ngành chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thực hiện đóng kinh phí công đoàn; kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm.
Tin mới hơn

Chinh phục nhà tuyển dụng: Bí kíp săn việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Hơn 14.000 vị trí việc làm đầu Xuân cho người lao động ở Huế
Cẩn trọng “sàng lọc” thông tin tuyển dụng lao động sau Tết
Tin tức khác
Lương tổng công trình sư về vũ khí tối đa có thể lên đến 220 triệu/tháng
Hà Nội: Hàng ngàn cơ hội việc làm mở ra cho chiến sĩ nghĩa vụ công an

Công ty CP Đầu tư BVN Quảng Bình tuyển 82 lao động với nhiều vị trí việc làm

NVIDIA tuyển dụng nhiều vị trí tại Việt Nam - cơ hội lớn cho nhân tài công nghệ

Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế tuyển dụng 1.000 lao động
