![]() |
Hình ảnh người lao động ở Guinea Xích Đạo đang nóng lòng đợi được đón về nước do nhiễm dịch Sars-CoV-2 được nhiều mạng xã hội công nhân chia sẻ. Ảnh chụp từ Facebook |
Những ngày qua, mạng xã hội công nhân chia sẻ những hình ảnh người lao động Việt Nam đang làm việc tại Guinea Xích Đạo “kêu cứu” vì mắc Covid-19. Những tấm biển viết vội bằng than và bút màu: “Hãy cứu chúng tôi”; “Chúng tôi muốn về nước”; “Hãy đưa chúng tôi về nhà”… Nhiều người hy vọng Chính phủ, các bộ, ngành sớm nắm bắt thông tin, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đang bị dịch bệnh tại quốc gia châu Phi này về nước.
Cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, đời sống rất khó khăn; song, người công nhân lao động trong nước vẫn lo lắng, quan tâm đến tình hình lao động người Việt - khúc ruột xa ngàn dặm - bị dịch bệnh ở châu Phi xa xôi. Tấm lòng hướng về nhau, tình người, sự quan tâm, sẻ chia của người lao động không phân biệt ở trong nước hay ở nước ngoài là một hình ảnh rất đẹp và cảm động.
Chiều ngày 10/7, tại phiên họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình dịch bệnh và xử lý các tình huống phát sinh; sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo hiện có 112/219 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Guinea Xích Đạo bị nhiễm Sars-CoV-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tổ chức ngay chuyến bay cứu hộ đưa người lao động về nước; bảo đảm các biện pháp cách ly y tế, điều trị theo quy định.
![]() |
Bệnh nhân số 91, phi công người Anh được chữa khỏi bệnh và được đưa ra sân bay về nước tối 11/7. Ảnh thanhnien.vn |
Thông tin này làm vỡ òa niềm vui trong công nhân lao động. Đất nước không bao giờ quay lưng với những người con của mình; luôn bảo hộ, sẵn sàng đón người lao động trở về, dù điều kiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây không phải lần đầu tiên mà đã có những chuyến bay như vậy đón công dân. người lao động Việt Nam từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu… về nước.
Tin khác liên quan đến tình hình dịch bệnh, bệnh nhân số 91 là phi công người Anh, người bị mắc Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam đã được chữa khỏi bệnh. Tối ngày 11/7, bệnh nhân đã được đưa trở về Anh theo nguyện vọng của ông. Với niềm xúc động, trước khi về nước, bệnh nhân này đã gửi lời cảm ơn đến đất nước và con người, nhất là đội ngũ y bác sĩ Việt Nam: “Nếu ở một nơi nào khác trên trái đất này, tôi hẳn đã chết. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được chữa trị ở Việt Nam. Từ tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam”.
Cũng có ý kiến kêu ca về việc chữa trị cho bệnh nhân người Anh quá tốn kém. Song, một mặt, chi phí cho bệnh nhân này do bảo hiểm chi trả; mặt khác, việc chúng ta nỗ lực đến cùng cứu chữa trước hết thể hiện tinh thần nhân ái truyền thống của người Việt; sau nữa, việc cứu sống bệnh nhân người Anh khẳng định thành tựu tuyệt vời trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của nước ta; khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với doanh nghiệp và du khách quốc tế.
![]() |
Chuyến bay đón công dân, người lao động Việt Nam, trong đó có cả trẻ em từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) hạ cánh xuống Sân bay Vân Đồn. Ảnh ncov.moh.gov.vn |
Hàng triệu người lao động chúng ta đang mất việc, thất nghiệp; mỗi năm lại có hàng triệu thanh niên bổ sung vào lực lượng lao động. Nhu cầu việc làm là rất lớn. Trong khi các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu, những con “đại bàng” kinh tế của thế giới đang cơ cấu, bố trí lại chuỗi sản xuất sau đại dịch; việc chuẩn bị “tổ”, không gian an toàn để đón những đôi cánh lớn bay lượn là vô cùng cần thiết. Tận tình cứu chữa và chữa khỏi cho bệnh nhân người Anh là một khẳng định chắc chắn và sáng chói thiện chí của Việt Nam trong việc đón “đại bàng”. Điều đó có ý nghĩa và giá trị hơn nhiều lần chi phí chữa trị cho bệnh nhân 91.
Xin được chia sẻ tin vui với người lao động Việt Nam ở Guinea Xích Đạo và chúc mừng bệnh nhân người Anh!
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
