![]() |
Nhiều họa sĩ cho rằng con đường gốm sứ ở Hà Nội vốn dĩ không mang nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa, nghệ thuật mà chỉ đạt được tiêu chí "to nhất" - Ảnh: M.K |
Con đường gốm sứ Hà Nội - bức tranh kỷ lục Guinness về khía cạnh "to", hoành tráng với chi phí đầu tư lên tới 65 tỷ đồng nay đang xuống cấp tệ hại. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên công trình này có những dấu hiệu bong tróc, nứt vỡ loang lổ.
Sự xuống cấp tệ hại diễn ra thường xuyên của con đường gốm sứ đã khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán. Trong khi đó, phần lớn họa sĩ không tỏ ra tiếc nuối trước sự tàn tạ của con đường, bởi họ cho rằng công trình này vốn dĩ không mang nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa, nghệ thuật mà chỉ đạt được tiêu chí "to nhất".
Họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ với Cuộc sống an toàn: "Ngay từ đầu tôi đã không ủng hộ công trình này. Theo tôi có mấy vấn đề, thứ nhất: Về mặt chức năng, tuyến đường đó vốn dĩ không phù hợp để làm các công trình nghệ thuật công cộng. Vì những công trình dạng ấy mục đích là để cho công chúng ngắm nhìn, cho nên nó phải được đặt ở đường giao thông tĩnh như phố đi bộ. Thứ hai, tổng thể bức tranh gốm sứ đó từ khi còn trên bản thiết kế đã không có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử nhưng đã vội vàng thực hiện, cố gắng hoàn thiện cho kịp ngày Đại lễ dẫn đến khó thay đổi. Mà cái gì gắn với công trình công cộng thì có ảnh hưởng rất lâu dài tới nhiều thế hệ, ở công trình này sẽ dẫn đến những nhận thức sai lệch về thẩm mỹ, lịch sử, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ".
Cùng quan điểm đó, họa sĩ Trần Huy Oánh nói: Con đường gốm sứ chỉ là bức tranh to, không có giá trị nghệ thuật. Cũng giống nhiều con đường bích họa, trong giới chúng tôi gọi là phong trào "đưa nông thôn về thành thị" hay "xây dựng nông thôn mới ở thủ đô", rất lòe loẹt, phản cảm. Hơn nữa, những công trình như thế ở bên cạnh đường giao thông đông đúc cũng không phù hợp, người ta đi mải ngắm thì cũng mất an toàn giao thông.
Ông cho rằng chỉ nên trang trí điểm xuyết, có điểm nhấn bằng những vật liệu bền vững và thân thiện với môi trường.
![]() |
Người dân "đối thoại" với con đường gốm sứ bằng cách phóng uế, vứt rác, đốt lửa lên nó - Ảnh: M.K |
Họa sĩ Nguyễn Đức Sáng gay gắt: "Tôi không có thiện cảm với những bức tranh gốm này vì nó quá dễ dãi với nghệ thuật, thẩm mỹ. Phải nói là tùy tiện như một món lẩu thập cẩm. Nó xuống cấp chỉ có cách bỏ đi hoàn toàn và làm lại và phải có ý đồ sáng tác".
Họa sĩ Ba Tỉnh đưa ra quan điểm rằng tranh sứ có thể bền vứng hàng trăm năm nên việc đầu tư phải có trọng điểm, làm đâu được đấy, không ôm đồm hình thức, không đặt vấn đề "to và dài" nhất trong khi chất lượng, chất liệu lại tồi.
Có thể nói, từ lâu nghệ thuật không chỉ giới hạn trong các phòng trưng bày, mà nó trở thành một phần không thể thiếu của không gian ngoài trời, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhưng, sự nhếch nhác của con đường gốm sứ hôm nay chính là lời cảnh báo cho diện mạo Thủ đô trong tương lai, khi mà phong trào vẽ tranh bích họa đang tràn lan khắp phố phường và dường như được chấp nhận một cách dễ dãi.
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
