![]() |
Nghĩa trang huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi chú tôi nằm lại, mãi mãi chú mười tám tuổi. Ảnh facebook.com |
Mỗi lần có việc vội, khi nấu cơm, nồi cơm cạn là mẹ tôi bắc xuống, lật ngửa chiếc vung, gắp ít than đỏ lên đó. Cơm chín rất nhanh, dưới vung nồi còn có một lớp cháy mỏng. Mẹ tôi bảo: “Đây là cách của chú P. truyền lại”.
Chú P. là chú họ tôi. Bố mẹ tôi kể, chú nhỏ con nhưng lanh lợi, hoạt bát. Chú thổ lộ với bố mẹ tôi ước mơ lớn nhất là được đi làm công nhân, nhất là công nhân gang thép. Nhà máy Gang thép Thái Nguyên những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ hai mươi là niềm tự hào của nền công nghiệp nặng miền Bắc. Được làm việc ở đó là mơ ước của hầu hết thanh niên nông thôn, trong đó có chú tôi.
Rồi, không hiểu sao chú khai tăng tuổi xung phong đi bộ đội. Nghe bảo chú nhỏ quá, phải ăn thật no và bỏ thêm mấy viên đá vào túi quần mới đủ cân nặng. Nhận giấy báo nhập ngũ, chú vui lắm. Chú sang nhà chào bố mẹ tôi. Hình như buổi chiều hôm ấy, lãnh đạo xã, huyện gì đấy còn đến nhà úy lạo, nên chú mổ gà và thổi cơm giúp bố mẹ tôi rất nhanh. Để cơm chóng chín, chú làm theo cách phần trên tôi đã kể.
![]() |
Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 làm chủ căn cứ 42 của địch ngày 24/04/1972. Chiến dịch Xuân - Hè 1972 ở Kon Tum diễn ra cực kỳ ác liệt. Chú tôi đã hy sinh trong một trận đánh như vậy khi chú mới tròn mười tám tuổi. Ảnh tuyengiaokontum.org.vn |
Chú đi bộ đội. Có lẽ chỉ được một năm thì có tin đồn chú hy sinh. Mấy năm nữa thì chính thức có giấy báo tử.
Ba mươi năm sau, tôi đi theo đoàn gia đình tìm phần mộ chú. Chúng tôi đi các nghĩa trang ở tỉnh Kon Tum, cuối cùng, nhờ một manh mối, chúng tôi cũng tìm thấy phần mộ chú nằm giữa những chàng trai quê miền Bắc tại nghĩa trang Sa Thầy. Chú hy sinh trong một trận đánh ác liệt nào đó trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 cùng rất nhiều đồng đội khi tấn công thị xã Kon Tum. Không chỉ chú tôi, tôi đọc năm sinh, năm mất của các anh, rất nhiều người đã ngừng cuộc sống của mình khi mới mười tám tuổi.
Tôi không thể nào quên buổi chiều hôm ấy. Cùng với niềm vui tìm được phần mộ chú sau rất nhiều năm thất lạc, cả đoàn đi tìm ai cũng bùi ngùi. Chú P. tôi cũng như hàng triệu chàng trai mới mười tám, đôi mươi, từng nuôi khát vọng về một công việc, ngành nghề; song đã gác sang một bên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và ngã xuống, vụt tắt một thứ khi nó chỉ vừa mới bắt đầu.
![]() |
Sự hy sinh của chú tôi, của các chú, các anh không vô ích. Không ai bị lãng quên, Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của họ. Trong ảnh: Các bạn trẻ Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống tỉnh Hà Giang tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh baohagiang.vn |
Còn biết bao người trai mười tám, đôi mươi như chú hiện vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ, gia đình chưa tìm được phần mộ. Chú P. tôi cũng như các chú, các anh đã hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình vì đất nước. Chúng ta, những người được hưởng nền hòa bình nhờ sự hy sinh vô bờ bến ấy - chúng ta không nuôi dưỡng hận thù, nhưng cũng không được phép quên đi quá khứ - đã làm việc đủ tốt chưa, đã đền đáp gì và phải sống sao đây cho xứng đáng với họ?
Đi tìm phần mộ chú, gia đình cũng mang theo một tấm ảnh chú in trên một tấm đá. Trong ảnh, chú trẻ trung, mặc bộ quân phục dường như hơi rộng, vầng trán cao thông minh và khẽ mỉm cười. Chúng tôi thắp hương cho chú, cho các chú, các anh ở xung quanh trong nghĩa trang. Ai cũng một lần sinh ra và sẽ mất đi. Chú đã hoàn thành nhiệm vụ của một công dân từ rất sớm và ra đi trong sự tiếc thương, được nhớ nhung. Mãi mãi chú mười tám tuổi!
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
