![]() |
Trụ sở Công ty BumJin Vina (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí MInh), chủ doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc) bỏ trốn, với khoản khoản nợ lương người lao động lên tới 3,4 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh baobaohiemxahoi.vn |
Thực trạng đáng lo ngại
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới đây đã ra thông báo về 12 doanh nghiệp FDI không có tại trụ sở, mất tích, bỏ trốn. Còn Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định rút giấy phép đầu tư của 17 dự án, cũng thuộc diện đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Giai đoạn từ năm 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 66 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giải thể. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm đến 65. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 trường hợp doanh nghiệp FDI phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, 4.282 NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi. Tổng số tiền doanh nghiệp nợ lương hơn 23 tỷ đồng, nợ phép năm hơn 700 triệu đồng, và nợ BHXH hơn 58 tỷ đồng.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/10/2018, số nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp FDI phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp, với số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 NLĐ.
Thời gian gần đây có một số vụ việc điển hình như: vụ bỏ trốn của chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (100% vốn Hàn Quốc) ở khu công nghiệp Bàu Xéo, tỉnh Đồng Nai vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tổng số tiền lương còn nợ của vụ việc này là 13,7 tỷ đồng, 16,3 tỷ đồng tiền BHXH, ảnh hưởng đến 1.900 NLĐ.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ông chủ người Hàn Quốc của Công ty TNHH BumJin Vina, KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân cũng bỏ trốn với số tiền nợ lương NLĐ 3,4 tỷ đồng, nợ 1,5 tỷ đồng tiền thưởng và 731 triệu đồng tiền tiền trợ cấp cùng 2,8 tỷ đồng BHXH của NLĐ.
![]() |
Người lao động Công ty TNHH Tex Well Vina (Đồng Nai) tập trung tại cổng công ty nhận tiền tạm ứng 50% lương tháng 1/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sau khi chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc bỏ trốn - Ảnh Nhandan.vn |
Tại Đà Nẵng, cuối năm 2018, tại KCN Hòa Khánh, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH MTV TBO Vina (100% vốn Hàn Quốc), sau khi được nghỉ việc một tuần do hết đơn hàng, đến ngày quay lại thì ông chủ đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỷ đồng và nợ lương công nhân khoảng 3,7 tỷ đồng.
Tương tự là vụ việc xảy ra tại Công ty Sang Hun tại KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước. Từ khi đi vào hoạt động (tháng 3/2015) đến lúc chủ bỏ trốn, tại đây đã xảy ra 14 vụ đình công, ngừng việc để phản đối tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT kéo dài. Đa số công nhân bị công ty nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm chí, có một số người bị nợ lương lên đến hơn 50 triệu đồng.
Tại Bắc Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Duo Vina (100% vốn Hàn Quốc), đóng tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang cũng đã bỏ trốn. Từ tháng 3/2019 đến khi bỏ trốn, công ty đã nợ lương của NLĐ với số tiền trên 4,3 tỷ đồng và nợ BHXH khoảng 5,2 tỷ đồng. Mặc dù trước đó, đại diện công ty đã nhiều lần hứa trả lương cho NLĐ nhưng không thực hiện.
Nguyên nhân và giải pháp
Trước hết, việc quy định thành lập doanh nghiệp hiện quá dễ dàng; không có các quy định, cũng như chế tài hậu kiểm việc góp vốn của doanh nghiệp. Các quy định khi phá sản doanh nghiệp còn phức tạp. Chế tài xử lý chưa đủ mức để ngăn ngừa các doanh nghiệp trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ. Nhiều doanh nghiệp FDI bỏ trốn nhưng các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý hậu quả, vì chưa có quy định cụ thể nào để xử lý hành vi bỏ trốn của các doanh nghiệp.
Do đó, cần phải có quy định cụ thể để lượng hóa được tiêu chí, dấu hiệu xác định doanh nghiệp bỏ trốn và cần phải “chọn lọc” đối với các doanh nghiệp FDI. Lâu nay chúng ta vẫn dành rất nhiều ưu ái cho các doanh nghiệp FDI. Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp khi đầu tư vào nước ta đã lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi. Về lâu dài cần phải có quy định thành lập quỹ bảo lãnh đối với các doanh nghiệp FDI nếu muốn đầu tư vào Việt Nam.
![]() |
Công ty TNHH Duo Vina (Bắc Giang) có chủ người Hàn Quốc bỏ trốn khiến người lao động doanh nghiệp lao đao khi bị nợ lương trên 4,3 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội - Ảnh phapluat.tuoitrethudo.com.vn |
Đồng thời, cần minh bạch cơ chế kiểm tra hoạt động định kỳ của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp phải tự báo cáo với cơ quan chức năng trong việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý đối với nhà nước và NLĐ. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh cả về hành chính và theo quy định của pháp luật hình sự. Trong thu hút đầu tư, nhà nước cần ưu tiên bảo vệ lợi ích của NLĐ lên hàng đầu khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp FDI.
Đề cao tinh thần trách nhiệm (công khai, minh bạch, khách quan) của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước và NLĐ.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Chinh phục nhà tuyển dụng: Bí kíp săn việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Hơn 14.000 vị trí việc làm đầu Xuân cho người lao động ở Huế
Cẩn trọng “sàng lọc” thông tin tuyển dụng lao động sau Tết
Tin tức khác
Lương tổng công trình sư về vũ khí tối đa có thể lên đến 220 triệu/tháng
Hà Nội: Hàng ngàn cơ hội việc làm mở ra cho chiến sĩ nghĩa vụ công an

Công ty CP Đầu tư BVN Quảng Bình tuyển 82 lao động với nhiều vị trí việc làm

NVIDIA tuyển dụng nhiều vị trí tại Việt Nam - cơ hội lớn cho nhân tài công nghệ

Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế tuyển dụng 1.000 lao động
