Đời sống
Xổ số miền Nam và những nghịch lý trông thấy

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo

TRẦN LƯU
Tác giả: TRẦN LƯU
Câu chuyện về hai công ty xổ số kiến thiết (XSKT) ở miền Tây đưa vào kinh loại hình xổ số tự chọn (giống như lô đề) đã khiến dân tình một lần nữa râm ran. Đã có những lo lắng về việc người lao động nghèo sẽ càng nghèo hơn, khi suốt nhiều năm qua, “trò chơi may rủi” này mặc dù mang lại nguồn thu “khủng”, nhưng cũng tạo ra không ít hệ lụy xã hội…

Khi lao động nghèo dẫn đầu mua vé số

Tại Việt Nam, trò chơi xổ số được hình thành từ năm 1962, đây là năm phát hành tờ vé số đầu tiên trong cả nước vào dịp Tết cổ truyền. Nếu như XSKT miền Bắc có từ trước giải phóng thì đến năm 1977 mới đánh dấu sự ra đời của XSKT miền Nam và miền Trung.

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng XSKT miền Nam đã nhanh chóng được người dân vùng này ưa chuộng và trở thành hệ thống xổ số có lượng người tham gia cao nhất nước. Tính đến nay, khu vực miền Nam có 21 công ty XSKT với doanh thu và số tiền nộp ngân sách tăng đều qua các năm và chiếm từ 70% - 90% tổng doanh thu xổ số cả nước. Vấn đề đặt ra là tại sao người dân phía Nam lại thích mua vé số đến như vậy?

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Một người dân mua vé số giúp đỡ người tàn tật ở Cần Thơ. Ảnh: Tr.L.

Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Trong văn hóa ứng xử của người dân Nam Bộ, họ thường giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những người gặp khó khăn, yếu thế. Việc mua vé số như một cách giúp đỡ những người bán dạo có thêm thu nhập, bởi lực lượng lao động này phần lớn là trẻ em, người già, người tàn tật… Thứ hai nữa, dù vì lý do nào, thì người mua vé số vẫn có tâm lý “mong được đổi đời”. Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng với giải đặc biệt cao nhất, nếu trúng thưởng giải này 6 con số là 2 tỷ đồng. Nên dân Nam Bộ vẫn hay nói vui rằng: “Sau 5 giờ chiều (giờ xổ số), chưa biết ai giàu hơn ai”.

Có người bán thì có người mua. Vậy những người nào thích mua vé số? Ông Nguyễn Hoàng Nam (chủ một doanh nghiệp xây dựng nhỏ ở Cần Thơ) nói rằng: “Mấy chục năm qua, ông chưa từng mua một tờ vé số nào. Có chăng là được bạn bè tặng trong các tiệc nhậu. Theo ông, những người có kinh tế ổn định, khá giả và giàu có sẽ không bao giờ thích lao vào các trò chơi may rủi, dù đó là xổ số, lô đề hay cá cược…”.

Ở chiều ngược lại, hơn 10 năm qua, ngày nào ông Năm Xuyên (hành nghề chạy xe ôm ở An Giang) cũng duy trì thói quen mua 3 tờ vé số. Ông thuộc nhóm những người lao động nghèo khó trong xã hội. Những cuốc xe ôm đội nắng đội mưa mang lại cho ông nguồn thu nhập chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Ông chia sẻ: “Tui làm lụng vất vả hơn 10 năm qua vẫn không đủ ăn, có thời điểm (như dịch bệnh Covid-19) còn phải đi xin gạo. Thấy vậy, nên ngày nào tui cũng nhín ra chút tiền mua 3 tờ vé số với mong ước một lần được trúng giải đặc biệt, nhưng hơn 10 năm qua, chưa một lần được giải an ủi, chứ nói gì tới đặc biệt”.

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Một người thợ sửa xe máy mua vé số với hy vọng được "thần tài gõ cửa". Đó cũng là tâm lý chung "cầu may" đối với những người lao động thu nhập thấp. Ảnh: Tr.L.

Còn ông Trần Quang Đại (57 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cũng hơn chục năm qua, nghề thợ hồ không thể giúp gia đình ông khá hơn, thậm chí phải vay mượn để bươn chãi những lúc túng quẩn. Giống như ông Xuyên, ông Đại ngày nào cũng cầu may bằng việc mua 5 tờ vé số, tương đương 50.000 đồng. Ông nói: “Số tiền đó có thể ăn được hai bữa cơm, nhưng thôi ráng nhịn, ăn uống tằn tiện lại một chút. Biết đâu “thần tài gõ cửa, được đổi đời một lần”.

Ngay cả bà Lê Thị Lài (70 tuổi) là người bán vé số dạo ở Cần Thơ, mỗi ngày sau khi bán xong, bà giữ lại cho mình 1 tờ vé số. Bà kể: “Tui thuê trọ sống chung với 2 đứa cháu nhỏ. Cha tụi nó mất, mẹ thì bỏ đi. Nên thân già này phải gắng lo nuôi tụi nó. Lớn tuổi rồi không biết còn sống được bao lâu. Mỗi ngày giữ lại 1 tờ vé số, coi như mất đi 10.000 đồng, hy vọng trúng được một lần để hai đứa cháu được ăn học”.

Một nghịch lý mà ai cũng thấy là những tỉnh nghèo, chỗ trũng về giáo dục lại có doanh thu cao và nguồn thu lớn từ xổ số. Đội ngũ những người bán vé số dạo thường đông ở những địa phương nghèo mà miền Tây Nam Bộ là một điển hình.

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Những người thường xuyên chơi xổ số đều là những người có kinh tế thấp. Ảnh: Tr.L

Nhưng với tỉ lệ trúng giải đặc biệt lên tới 1/1.000.000, nghĩa là cứ trong 1 triệu vé số được phát hành và cung cấp ra thị trường chỉ có duy nhất 1 vé có cơ hội trúng – thì ước mơ của bà Lài hay ông Đại, ông Xuyên vẫn chỉ là... ước mơ. Dù vậy, đều đặn mỗi ngày, họ vẫn “rót” tiền vào xổ số. Với bà Lài 10.000 đồng/ngày không phải là số tiền lớn, nhưng nếu là 1.000 người, thậm chí là hàng trăm nghìn người như bà sẽ cho ra con số bao nhiêu?

“Tận thu” và hệ lụy

Đến nay, ở khu vực phía Nam, xổ số đã trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Có thời điểm, nguồn nộp ngân sách từ các công ty XSKT chiếm tới 60% - 70% tại một số địa phương và được xem là “bầu sữa” để nuôi ngân sách.

Mới đây, lần lượt Công ty XSKT Đồng Tháp và Bến Tre đã cho triển khai kinh doanh loại hình xổ số lô tô thủ công. Các doanh nghiệp này cho biết, việc phát hành kinh doanh loại hình xổ số lô tô thủ công nhằm đa dạng hóa loại hình kinh doanh xổ số, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách và đặc biệt góp phần hạn chế tình trạng tệ nạn số đề.

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Vé số tự chọn, loại hình "ăn thua" mới ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Tr.L.

Ông Võ Văn T. (một người dân ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Tui đã tìm hiểu về hình thức xổ số này. Người chơi được quyền lựa chọn các chữ số, những lô số mà mình ưa thích để tham gia dự thưởng. Kết quả dự thưởng được dựa trên kết quả XSKT mỗi ngày. Vậy nên, nó giống hệt như chơi số đề. Nếu như số đề phải chơi lén lút, sợ công an bắt, thì nay, với xổ số tự chọn, mình chơi thoải mái”.

Lâu nay, tệ nạn lô đề vẫn luôn diễn ra khắp nơi, len lỏi và phá hoại biết bao gia đình, nhất là những người lao động nghèo khó. Giống như câu chuyện mua vé số, những người chơi lô đề cũng mong muốn nhanh chóng có được số tiền lớn mà không phải mất thời gian để làm lụng vất vả.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng, việc một số tỉnh cho mở loại hình xổ số tự chọn là “cách thức mới” trong câu chuyện cũ về trò chơi may rủi ăn tiền. Thực tế là nhiều nơi doanh thu xổ số tăng tỷ lệ thuận với hộ nghèo. Các trò “đỏ đen” cho dù bất hợp pháp hay được hợp thức hóa đều phát sinh nhiều hệ lụy.

Bên cạnh mặt tích cực, đóng góp lớn cho ngân sách thì xổ số cũng tạo ra những hệ lụy cho xã hội. Hầu hết những người bán vé số và cả người mua đều nghèo khó. Ảnh: Tr.L.

Theo ông, không có một cơ sở nào để chứng minh rằng, xổ số tự chọn sẽ ngăn chặn được lô đề bất hợp pháp. Thậm chí xã hội sẽ rất lo ngại về sự xuất hiện của một “kênh chơi bời mới”, mà ở đó người dân (nhất là lao động nghèo) khi mà cuộc sống bấp bênh, ý thức, nhận thức còn hạn chế sẽ lao đầu vào các trò may rủi như những con thiêu thân.

Những năm qua, trong khi vé số mang về lợi nhuận khủng cho các công ty, các đại lý, thì lực lượng những người bán vé số dạo ở miền Tây cũng tăng lên, có điều họ vẫn cứ triền miên trong cảnh bấp bênh, nghèo khó. Dù là mắt xích quan trọng cuối cùng trong ngành kinh doanh xổ số, nhưng người bán vé số dạo không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động, không được thừa nhận là một tác nhân trong ngành.

Bài 2: “Lô đề quốc doanh” và chuyện doanh thu tỉ lệ thuận với cái nghèo
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL nói về bất cập trong hoạt động XSKT. Ảnh: Tr.L.

Bên cạnh mặt tích cực, đóng góp lớn cho ngân sách thì xổ số cũng tạo ra những hệ lụy cho xã hội. Đó là các tệ nạn ăn theo như: Cờ bạc lô đề, kéo theo những gia đình bị tan nát, mất công ăn việc làm…

Ông Hiệp cho biết thêm: “Ở nước ngoài và gần đây ở trong nước đã có những công trình nghiên cứu về tâm lý, hành vi của người chơi xổ số với nhiều kết quả đưa ra và cũng có những điều được chứng minh như câu chuyện ở ĐBSCL là người nghèo, nhận thức thấp kém thường lao vào các cuộc đỏ đen mà vé số là một ví dụ”.

Theo đó, trong tâm lý mỗi người, khi thực tại không đáp ứng được kỳ vọng thì họ sẽ tìm vào tâm linh, hoặc may rủi và đó cũng là tâm lý của những người nghèo khó. Càng nghèo thì càng lao vào những trò đỏ đen nhiều hơn. Đặc biệt, khi trúng số được một lần, họ sẽ chơi nhiều hơn, chơi nhiều lần sẽ mất hết và cuối cùng là mất trắng.

Ông Hiệp dẫn chứng ở miền Tây đã có trường hợp trúng một lần 5 - 6 tờ vé số đặc biệt, nhưng một năm sau, gia đình này đã tan nát, khi vợ chồng con cái lao vào con đường rượu chè, cờ bạc, rồi tan nhà nát cửa… Do đó, không thể có chuyện thoát nghèo bằng con đường may rủi. Ngay cả khi các công ty xổ số nộp ngân sách “khủng”, thì con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương phải đến được từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chứ không thể trông chờ vào doanh thu và lợi nhuận từ xổ số.

“Hiện nay, số người đổ vào xổ số ngày càng nhiều, trong khi doanh thu xổ số càng tăng, thì những người nghèo lại càng nghèo. Bây giờ lại có hình thức “ăn thua” mới là xổ số tự chọn thì sẽ càng nguy hiểm hơn nếu không có cách quản lý tốt. Chẳng hạn như, nếu không tính đến việc nâng cao dân trí, tạo sinh kế để cái nghèo ít tăng lên, mà chỉ lao theo nguồn thu, rồi ngày càng mở ra nhiều kiểu chơi mới (dù về mặt pháp luật là không sai), nhưng xét về sự phát triển kinh tế chung là rất nguy hại”, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL Trần Hữu Hiệp nói.

Vì sao du khách đổ xô đến Panorama Mã Pí Lèng giữa “tâm bão” sai phạm? Vì sao du khách đổ xô đến Panorama Mã Pí Lèng giữa “tâm bão” sai phạm?

Dù đang vướng không ít ồn ào sai phạm, nhưng công trình Panorama ở trên đèo Mã Pí Lèng lại bất ngờ thu hút nhiều ...

Hai nhóm công nhân xô xát, một người tử vong Hai nhóm công nhân xô xát, một người tử vong

Ngày 28/12, thông tin từ Công an huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ xô xát giữa 2 ...

Không phải túi nilon, người dân dùng “cầu trượt”, xô, chậu đưa cá chép về trời Không phải túi nilon, người dân dùng “cầu trượt”, xô, chậu đưa cá chép về trời

Thay vì sử dụng túi nilon giống như mọi năm, người dân Hà Nội đã sử dụng xô, chậu và thậm chí là cả “cầu ...

Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Khi pháp luật thôi là rào cản, mà trở thành điểm tựa, người công nhân sẽ không còn là người “thi hành ý tưởng” mà có thể là người “khởi xướng đổi mới”. Chính sách pháp lý ấy, nếu được thực thi đúng đắn sẽ đưa tầng lớp lao động bước vào vai trò trung tâm của cuộc cách mạng đổi mới quốc gia.
Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Việc Chính phủ được đề nghị phân bổ tối thiểu 3% ngân sách nhà nước cho khoa học – công nghệ và nâng dần lên 2% GDP, là bước chuyển từ “lời nói” thành “hành động”. Đây là tín hiệu cho thấy, Nhà nước đang xác lập một ưu tiên quốc gia mới và ưu tiên ấy không chỉ dành cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cao cấp mà còn dành cho công nhân, kỹ sư, người lao động nơi xưởng máy, công trình, đồng ruộng.
“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Từ ruộng đồng đến nhà máy, từ làng quê đến khu công nghiệp, hàng triệu công nhân và người lao động Việt Nam đang từng ngày nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.

Tin tức khác

7 dự án nhà ở xã hội được quan tâm của TP Hà Nội năm 2025

7 dự án nhà ở xã hội được quan tâm của TP Hà Nội năm 2025

Hà Nội đang nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển và gia tăng nguồn cung cấp nhà ở cho người lao động thu nhập thấp. Trong bối cảnh này, 7 dự án nhà ở xã hội đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

Người lao động xếp hàng mua vàng ngày vía Thần tài, cầu lộc đầu năm

Với mong muốn mua vàng vào ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng hàng năm) sẽ mang lại may mắn, tài lộc, nhiều người lao động đã xếp hàng dài tại các cửa hàng vàng bạc đá quý, tranh thủ giờ nghỉ để kịp "rước lộc" về nhà.

Công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2025 với tỷ lệ cao

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí lao động sản xuất đã sôi động trở lại trên khắp các nhà máy, xí nghiệp.

Về Tết

Trằn trọc. Đêm nay thật dài. Sáng sớm mai mình sẽ về quê. Sao anh ấy có thể ngủ nhỉ? Mà không phải chạy vạy lo lắng các thứ nữa thì ngủ ngon chứ sao…

Công nhân trở lại làm việc: Mong một năm mới tốt đẹp!

Từ tối ngày 1/2 (mùng 4 Tết) cho đến hôm nay (2/2, mùng 5 Tết), dòng người ở các tỉnh miền Tây bắt đầu quay trở lại các tỉnh Đông Nam Bộ để làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Ngày Tết trên cảng biển Chân Mây

Đêm giao thừa Tết Ất Tỵ, trời Huế mưa rét căm căm. Nhưng sáng mùng Một, biển Chân Mây bừng lên sắc xuân, trời quang, nắng ấm. Đúng thời khắc ấy, du thuyền hạng sang Celebrity Solstice chở hơn 3.000 du khách quốc tế cập cảng. Anh công nhân Lê Dũng, trong bộ đồ lao động đã sờn, sẵn sàng cho công việc đầu tiên của năm mới.
Xem thêm