![]() |
Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tận dụng thời cơ mà nó mang lại. Trong ảnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2018. Ảnh hdll.vn |
Tính chất, những loại việc làm trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Việc làm trong CMCN 4.0 mang hàm lượng trí tuệ ở bậc cao. Mọi lĩnh vực lao động tay chân đều có thể được thay thế bằng robot. Ngay cả những việc làm cần tới bàn tay khéo léo của con người cũng có thể thay thế bằng robot như may đường cong uốn lượn của quần áo, giày dép… Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo 50% việc làm hiện nay sẽ bị robot thay thế trong 30 năm tới; 65% trẻ em học tiểu học hôm nay ra trường sẽ làm công việc mới chưa từng tồn tại từ trước tới nay.
Đặc điểm việc làm của CMCN 4.0 là sự thay đổi công việc diễn ra nhanh và con người phải thích ứng nhanh hơn. Việc làm suốt đời không còn nữa. Việc làm tay chân chuyển sang việc làm trí óc. Việc làm không chỉ trong nước mà vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Quan hệ việc làm thay đổi, nếu pháp luật không điều chỉnh kịp thời có thể dẫn tới tình trạng dễ bị tổn thương hơn đối với NLĐ, nhất là khi họ không kịp thích ứng về kỹ năng và việc làm.
CMCN 4.0 sẽ tạo ra tăng trưởng nhưng không tạo việc làm kiểu truyền thống như trước. Việc làm của CMCN 4.0 sẽ liên quan tới ý tưởng mới, hoặc là việc làm cần tới tình yêu thương thực sự, sự tinh tế, sự cảm thông và lòng trắc ẩn của con người. Việc giải quyết vấn đề phức hợp trong toàn chuỗi đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, đòi hỏi con người liên tục học hỏi và học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục cần đào tạo con người chủ động tìm việc chứ không thụ động đợi việc.
![]() |
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, internet vạn vật, điện toán đám mây... là những đặc trưng nổi bật sẽ làm thay đổi tận gốc sản xuất, đời sống con người; đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng - Ảnh vnExprees. |
Thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam
Tổng số lực lượng lao động Việt Nam hiện là 55,2 triệu người, trong đó 1,1 triệu thất nghiệp, còn 54,1 triệu người có việc làm; nông lâm thủy sản chiếm 39,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,1% và dịch vụ 34,1%. Có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn, thành thị chiếm 35,03% và nông thôn 64,97%.
Với trình độ kỹ năng hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay, NLĐ sẽ khó khăn trong việc thích ứng với các loại công việc làm mới, đòi hỏi tri thức của CMCN 4.0. Tuy nhiên, thời kỳ chuyển đổi luôn có sự tiếp nối và giao thoa của các thế hệ. Nếu Việt Nam biết đầu tư đúng hướng cho thế hệ lao động tiềm năng đang ngồi trên ghế nhà trường hiện nay, nguồn lao động Việt Nam sẽ thích ứng được với CMCN 4.0.Hiện nguồn nhân lực Việt Nam chưa sẵn sàng cho nền kinh tế tri thức, vẫn là nước có năng suất lao động thấp. Nguồn nhân lực qua đào tạo chỉ đạt 20%. Tỷ lệ lao động khi được tuyển dụng thường phải được doanh nghiệp đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc. Thực tế, đa số việc làm ở Việt Nam là việc làm giản đơn, lao động tay chân. Chỉ có 10% số việc làm ở Việt Nam là công việc có chuyên môn hay trong vị trí quản lý. Đối với ngành công nghiệp, 75% các công việc trong lĩnh vực sản xuất là các công việc lắp ráp và lao động chân tay trình độ thấp. Ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày…, mặc dù các doanh nghiệp bắt đầu nghĩ tới đầu tư vào thiết bị cơ điện tử, song do đòi hỏi vốn lớn nên mức độ chưa cao. Một bộ phận lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chuyển đổi càng khó khăn do thiếu vốn. Gần một nửa tổng số lao động nông nghiệp tập trung vào công việc trồng lúa năng suất thấp. Tuy Việt Nam chưa gặp vấn đề về số lượng việc làm, tỷ lệ thất nghiệp thấp, song nguy cơ NLĐ nông nghiệp thất nghiệp trong tương lai nếu không đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0. Ước tính tỷ lệ mất việc làm ở Việt Nam là từ 10 - 70% tùy theo từng ngành khác nhau do tác động của tự động hóa trong CMCN 4.0.
![]() |
Dệt May được dự báo sẽ là ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc lường trước những thuận lợi, khó khăn mà nó mang lại có thể biến nguy cơ thành cơ hội. Trong ảnh, Hội thảo "Ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Ảnh dangcongsan.vn |
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, NLĐ của CMCN 4.0 cần có các kỹ năng mềm cần thiết, như xử lý vấn đề phức hợp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người, phối hợp với người khác, phán đoán và ra quyết định... CMCN 4.0 mở ra một thời kỳ tự động hóa hoàn toàn, một khâu trong chuỗi gặp trục trặc, dù nhỏ cũng sẽ làm cho cả chuỗi bị ảnh hưởng. Xử lý vấn đề phức hợp cùng với các kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, phán đoán và ra quyết định sẽ tạo cho con người sự chủ động trong CMCN 4.0. Trí tuệ xúc cảm và linh hoạt nhận thức giúp con người kiểm soát bản thân trong sự tương tác với người khác. Các kỹ năng thương lượng, phối hợp với người khác sẽ giúp tạo ra ý tưởng mới và đi đến sự đồng thuận trong lựa chọn và quyết định thực hiện các ý tưởng mới.
CMCN 4.0 đòi hỏi chi phí đầu tư thiết bị lớn và đòi hỏi các kỹ năng mới, nên rất cần vai trò và sự hỗ trợ của nhà nước để chuyển đổi các lĩnh vực sang công nghệ số. Để nguồn nhân lực Việt Nam có thể chuyển đổi việc làm và thích ứng với các loại việc làm mới của CMCN 4.0, Việt Nam cần đầu tư ngay từ bây giờ vào việc hoạch định chính sách ngành để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và sự quan tâm của lực lượng lao động tiềm năng đang đi học hiện nay. Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và doanh nghiệp đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong CMCN 4.0.
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
