![]() |
Nhiều cư dân phớt lờ trước những cảnh báo nguy hiểm tại nhiều khu tập thể cũ - Ảnh: M.K |
Đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội công bố kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 khu tập thể cũ ở 5 quận, huyện. Ngoài 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, có 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân khẩn cấp là nhà A Ngọc Khánh và nhà G6A Thành Công (đều trên địa bàn quận Ba Đình). Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng phối hợp bố trí nhà tạm cư, triển khai di dời các hộ dân sinh sống tại đây.
Cho đến đầu tháng 12/2019, qua khảo sát của phóng viên Cuộc sống an toàn, tại đơn nguyên 1, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, một số hàng quán ở tầng 1 đã đóng cửa. Cầu thang của khu tập thể xuất hiện những đường nứt toác chạy dài mép tường, tạo cảm giác bất an khi đi lại. Gầm cầu thang được gia cố, chống đỡ bằng hệ thống cột sắt. Tại các khoảng tường, những vết nứt và bong tróc ngày càng rộng do chất lượng vôi vữa không tốt.
Phía chân cầu thang là tấm biển cảnh báo tình trạng nhà nguy hiểm cấp D với dòng chữ: "khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể".
![]() |
Cầu thang đơn nguyên 1, nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh - Ảnh: M.K |
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND phường Ngọc Khánh đề nghị các hộ dân tại đây thực hiện di dời khẩn cấp theo quyết định số: 2000/UBND - XDGT của UBND TP Hà Nội. Có 18 trên tổng số 26 hộ dân của đơn nguyên 1, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh đã thực hiện việc di dời đến nơi tạm cư. 8 hộ còn lại vẫn bình thản ở lại trước những nguy hiểm thường trực.
"Đi làm gì? Nhà mình mình ở chứ việc gì phải đi ở mướn ở tạm. Nếu chuyển hẳn đến một chỗ có cấp sổ đỏ thì tôi sẽ đi" - một phụ nữ cho biết.
Ông Trí (67 tuổi), cư dân phòng 205 thì nói rằng: "Tôi không đồng ý với kết luận của hội đồng thẩm định. Họ nói rằng hồ sơ xây dựng nhà này bị thất lạc. Nếu hồ sơ thất lạc thì họ thẩm định cái gì? Họ biết gì về nhà này mà thẩm định? Nhà này mới được 30 năm làm gì mà đã nguy hiểm. Hôm vừa rồi phường họ gọi chúng tôi lên động viên đi tạm cư. Nhưng nhà chúng tôi không nguy hiểm, chúng tôi không đi. Đơn nguyên này đẹp nhất, trông ra hồ, họ muốn giục dân đi để xây chung cư, trong khi chủ đầu tư còn giấu mặt. Dân chúng tôi muốn biết đi tạm cư bao lâu thì được quay về, 5 năm, 10 năm hay bao lâu. Nếu họ trả lời được thì chúng tôi đi ngay. Nhưng mà tôi xác định đã đi thì khả năng không quay về được, cho nên kể cả nhà có sập chúng tôi vẫn cứ ở lại".
![]() |
Mặc những thông báo về mức độ nguy hiểm, nhiều hộ dân nhà G6A, khu tập thể Thành Công vẫn sinh hoạt bình thường tại nơi mà họ đã gắn bó mấy chục năm qua - Ảnh: M.K |
Cũng được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 1 và 2 của nhà G6A, khu tập thể Thành Công với những dấu hiệu nứt vỡ, bong tróc và nguy hiểm hơn, tòa nhà có hiện tượng nghiêng sang 1 bên. Vị trí hai đơn nguyên bị tách ra tạo thành hình chữ V. Khu tập thể cũ kỹ này vốn đã ẩm thấp, tối tăm, lại trở nên vắng vẻ lạnh lẽo hơn khi nhiều hộ dân đã chuyển đến nơi tạm cư. Nhiều căn hộ được dán giấy niêm phong, cánh cổng sắt phía dưới cầu thang luôn ra đóng vào mở, khóa kín.
Các cư dân tỏ ra khó chịu khi phóng viên đến tìm hiểu về cuộc sống của họ. Khi được hỏi về lý do không di dời trước cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tòa nhà, một phụ nữ trung tuổi nói: "Nhà vẫn ở tốt chẳng việc gì mà phải đi. Bao năm rồi đang ở đây quen, giờ cho chúng tôi chuyển đi ở một chỗ xa làm sao chấp nhận được. Chuyển đi là mất nhà. Những người chuyển đi chẳng qua là không có sổ đỏ".
Được biết, mặc dù kêu gọi người dân di dời ra nơi tạm cư nhưng các khu tập thể nguy hiểm cấp độ D này vẫn chưa có quy hoạch, chưa thể tổ chức hội nghị nhà chung cư và lựa chọn nhà đầu tư. Và trong khi chính quyền địa phương chưa thể trả lời một cách thỏa đáng về chính sách tái định cư, tiến độ xây dựng..., nhiều người dân vẫn bám trụ lại nơi ở cũ, bất chấp nguy hiểm cận kề.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
