Vụ tai nạn mỏ đá ở Điện Biên xảy ra vào lúc 15h45 ngày 1/6, tại khu vực hẻo lánh gần đường biên giới với Lào, thuộc địa phận xã Na Ư, huyện Điện Biên. Trong quá trình công nhân rải dây để nổ mìn phá đá tại công trường khai thác đá của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh thì mìn bất ngờ phát nổ, khối lượng lớn đá sạt xuống chôn vùi 3 công nhân.
Trả lời báo chí, đại diện Công ty Hoàng Anh cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, 3 công nhân nói trên nhận nhiệm vụ lên vách đá đặt 3 lỗ mìn. Mỗi lỗ khoan sâu từ 6 - 11m và đặt 50kg thuốc nổ/lỗ để tiến hành khai thác đá.
![]() |
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn mỏ đá ở Điện Biên - Ảnh: Xuân Tư |
Sau khi xảy ra vụ việc, PV Cuộc sống an toàn đã liên hệ với ông Lê Thanh Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên để tìm hiểu thông tin về những công nhân bị nạn. Ông Hà cho biết: "Hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, chúng tôi chưa có thêm thông tin gì, chưa biết 3 công nhân gặp nạn có hợp đồng lao động hay không, hay chỉ là lao động thời vụ".
Ông Hà cũng chia sẻ một thực tế đang diễn ra tại địa phương này, rằng: "Các cấp công đoàn cũng thường xuyên tuyên truyền đến các doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vận động họ nên tham gia vào tổ chức công đoàn, tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng các chủ doanh nghiệp cũng hầu như trốn tránh trách nhiệm, cố lảng tránh. Ở đây rất khó tiếp cận".
Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động và vẫn lơ là, chủ quan với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Lật lại thống kê tình hình tai nạn lao động của các địa phương năm 2019, tỉnh Điện Biên xảy ra 53 vụ, khiến 54 người bị nạn, 18 người chết và 33 người bị thương nặng. Điều đáng nói, 96% các vụ tai nạn lao động nằm trong khu vực không có quan hệ lao động, không có tổ chức công đoàn.
![]() |
Lực lượng chức năng họp bàn phương an điều tra, khắc phục hậu quả vụ tai nạn mỏ đá ở Điện Biên - Ảnh: giadinh.net.vn |
Một thực tế nữa cần phải nhìn nhận là nhiều người lao động vì áp lực kiếm tiền mà vẫn chấp nhận làm những công việc hết sức khắc nghiệt, có nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Trường hợp của 3 công nhân trong vụ tai nạn mỏ đá ở Điện Biên là một ví dụ như vậy. Nạn nhân Hạng A Sở là người dân tộc thiểu số ở huyện Điện Biên Đông, một trụ cột trong gia đình có 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Bản thân anh trước đây từng làm ở mỏ đá được vài tháng rồi nghỉ. Gần đây do kinh tế gia đình quá khó khăn, anh lại xin đi làm trở lại rồi gặp nạn. Còn hai anh Bùi Văn Hài, Đinh Văn Ý cũng do hoàn cảnh khó khăn mà lặn lội từ quê nhà Ninh Bình lên Điện Biên để làm thuê.
Có thể nói, hiện nay một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn thiếu quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, cùng với đó là tâm lý dễ dãi của người lao động. Họ dễ dàng chấp nhận đánh đổi sức lao động, tính mạng chỉ để có một công việc. Do đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để cả "chủ và thợ" đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
