
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão
Chiều 26/10, Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cơ quan này đã chỉ đạo, đôn đốc công đoàn cơ sở tại các đơn vị doanh nghiệp trong các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng tại chỗ, các lực lượng phòng, chống thiên tai các địa phương nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 6 đang đến gần.
![]() |
Cán bộ chiến sĩ ngân mình trong sóng biển nỗ lực gia cố bờ biển bị sạt lở nặng ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đ.T |
Theo dự báo bão số 6 sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế, trong đó gây ra đợt mưa lớn xảy ra từ sáng 27/10 với lượng mưa từ 400 – 600mm. Để đảm bảo an toàn, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quyết định hoãn tăng ca làm việc vào ngày 27/10.
Anh Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MSV (Khu Công ngiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trước diễn biến của bão số 6, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty hướng dẫn và thông báo tình hình mưa bão đến toàn thể khoảng 1.000 công nhân trong công ty.
Đặc biệt để an toàn, dù có kế hoạch tăng ca để đảm bảo đơn hàng cho đối tác, một số bộ phận phải tăng ca làm chủ nhật (ngày 27/10). Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão, Ban giám đốc đã chỉ thị ngừng tăng ca để công nhân ở nhà an toàn tránh bão. Đồng thời, Ban Phòng, chống lụt bão của công ty cũng đã rà soát lại toàn bộ nhà xưởng, xem những vị trí nào cần giằng chống nhằm không để ảnh hưởng thiệt hại nào.
![]() |
Lãnh đạo UBND tình Thừa Thiên Huế thị sát, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục sạt lở bờ biển ở Phú Thuận, huyện Phú Vang ngày 26/10/2024. Ảnh: H.N.M |
“Đồng thời thông qua các kênh từ khách hàng gửi về tình hình của bão, Ban Giám đốc thường xuyên cập nhật gửi thông tin vào các nhóm quản lý của Công ty, nhằm tất cả cán bộ, công nhân viên công ty đều cập nhật tình hình, cũng như có biện pháp đối ứng xử lý kịp thời trong công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 6 – Trami”, anh Hoàng nói.
Cũng theo anh Hoàng, do đã có biện pháp ứng phó với cơn bão Yagi vừa qua nên hiện công ty chỉ chỉ đạo kiểm tra lại, đồng thời hoãn tăng ca tăng kíp nhằm giúp công nhân không đi lại trong thời gian bão đến.
![]() |
Công nhân Công ty TNHH MSV sẽ hoãn tăng ca trong ngày 27/10/2027. Ảnh: L.Q.H |
Cũng như MSV, tại Công ty HBI Huế (Khu công nghiệp Phú Bài), việc hoãn tăng ca làm việc ngày chủ nhật để nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân. Anh Nguyễn Xuân Nhật, Chủ tịch Công đoàn Công ty HBI Huế cho biết thêm, các bộ phận chức trách cũng đã thường xuyên rà soát các biện pháp phòng, chống bão, gia cố nhà xưởng, cắt cây tỉa cành để đảm bảo tính mạng, tài sản và các hoạt động của công ty.
“Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật tình hình mưa bão, chia sẻ kinh nghiệm, động viên anh chị công nhân cẩn trọng phòng, tránh mưa bão trong các nhóm cũng như qua kênh thông tin liên lạc chung”, anh Nhật nói thêm.
Ấm áp tình quân dân trong thiên tai
Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hoàn lưu bão số 6 rất rộng, có thể ảnh hưởng tới đất liền gây mưa dông mạnh ngay khi bão còn cách bờ 300-500km, có thể kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Dự báo từ sáng ngày 27/10, trên đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
Ngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan đơn vị, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh thực hiện nghiêm túc Công điện số 110/CĐ-TTg, ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
![]() |
Lực lượng quân sự và dân quân nỗ lực gia cố, bảo vệ bờ viện bị sạt lở nặng ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ảnh: H.N.M |
Nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, kích hoạt các hình thức cảnh báo thiên tai để nhân dân biết và chủ động phòng, chống thiên tai mưa bão.
Trong sáng nay ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra tại bờ biển xã Phú Thuận (Phú Vang) và bãi tắm Thuận An do mưa bão và tác động mạnh của sóng biển đã làm kè chắn tại khu vực bờ biển bị sạt lở có chiều dài khoảng 300m, ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 50m, phá hỏng vỉa hè đường đi bộ của đường ngang nội bộ bãi tắm, làm các gốc cây dương trên vỉa hè có nguy cơ ngã đổ.
![]() |
Người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên huế tiếp tế lương thực cho các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng gia cố bờ biển bị sạt lở nặng. Ảnh: Quý Lê |
Chiều 26/7, ghi nhận tại hiện trường cho thấy hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, của Tiểu đoàn 1, Quân đoàn 6 cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An cùng các chiến sĩ Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh), lực lượng dân quân tự vệ phải ngâm mình dưới nước biển nhiều giờ vận chuyển từng khối đá gia cố những điểm xung yếu, tập trung các phương án nhằm ngăn chặn việc xâm thực sâu vào trong để bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.
Video Hàng trăm cán bộ chiến sĩ ngâm mình trong sóng lớn gia cố bờ biển ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế bị sạt lở nặng
Đặc biệt, trước hoàn cảnh thiên tai tình quân dân càng được thắt chặt hơn khi người dân địa phương đã quyên góp tiền để mua hoặc tự làm thức ăn, nước uống để bồi dưỡng thêm cho “các chú bộ độ” có thêm sức để chống chịu với sóng gió; gia cố đê bao bờ biển cho quê nhà.
Chị Nguyễn Thị Thêm, công nhân ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, chị được nghỉ ca làm chiều thứ 7 nên cũng ra biển phụ bà con trong xã chuẩn bị đồ ăn tiếp sức cho bộ đội: “Các anh làm việc quá vất vả, khẩn trương. Chúng tôi thật sự biết ơn và cảm động lắm”.
Còn anh Trần Văn Nhật, cán bộ Tiểu đoàn 1, Quân đoàn 6, cũng bày tỏ: “Việc gia cố bờ biển bị sạt lở gặp sóng lớn, gió to nhưng bà con nhân dân đã kịp thời tiếp tế lương thực, thức ăn nước uống. Tình cảm người dân khiến chúng tôi có thêm nhiều sức mạnh. Thật sự là tình quân dân rất ấm áp”.
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Có một mái nhà chung đầy yêu thương

Đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số và sứ mệnh mới của tổ chức Công đoàn

Công đoàn: “Mạch máu” dẫn truyền trách nhiệm trong “guồng quay” lợi nhuận
Tin tức khác

Công đoàn “thần tốc" phát triển đoàn viên và bài học kinh nghiệm quý giá

Công đoàn – “nền tảng đạo lý” trong kiến tạo doanh nghiệp có trách nhiệm

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Chuyển đổi số trong công đoàn: Đòi hỏi sống còn, không chỉ là khẩu hiệu

Quan hệ lao động hài hoà: “Nền móng” cho “đòn bẩy” kinh tế tư nhân
