![]() |
Toàn bộ thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội đã bị cách ly do liên quan đến ca bệnh dương tính với Covid-19 thứ 243. Ảnh: V.G. |
Mở đầu câu chuyện, chị bắt đầu bằng một lời khẳng định: "Tôi thương chồng tôi lắm!". Nói được câu đó, chị lại dừng. Nuốt lệ vào trong, chị tiếp tục chia sẻ: "Bản thân anh ấy đã vất vả vì căn bệnh của vợ rồi, giờ lại bị như thế này nữa, thêm áp lực từ việc cả thôn cách ly do liên quan đến gia đình. Hằng ngày cứ nghe thêm có ca nhiễm mới liên quan đến Hạ Lôi là lòng tôi lại chua xót”. Chị N.T.T chia sẻ như vậy khi được hỏi về chồng.
Hàng này, anh chị vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Nghe được giọng anh khoẻ là chị mừng lắm, cứ một tiếng mà không thấy anh gọi hay nhắn tin là lo lắng vô cùng. Chị nhắc anh phải cố gắng ăn uống đầy đủ để duy trì sức đề kháng thật tốt. Tại Trung tâm cách ly của huyện Thạch Thất, nỗi nhớ về người chồng cũng đang cách ly trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cứ khắc khoải trong chị mấy ngày nay.
Từ lúc chuyển đến trung tâm cách ly đến giờ, không đêm nào chị ngủ được. Cả gia đình đang quây quần cùng nhau, bỗng dưng ly tán, mỗi người mỗi nẻo, lại trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Giấc mộng chập chờn hằng đêm với hình ảnh hai vợ chồng đưa nhau đi khám đến Bạch Mai, hình ảnh anh trước lúc lên xe đi cách ly ngoái đầu lại dặn vợ phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, và những người hàng xóm, họ hé cửa ngó ra nhìn theo với ánh mắt ái ngại. Những mớ hỗn độn ấy cứ quanh quẩn trong tâm trí chị, đến lúc bác sĩ đo thân nhiệt, chị giật mình, cảm giác như đang mơ một giấc mơ dài.
Người phụ nữ không sao quên được buổi sáng ngày 6/4 hôm ấy, chị rụng rời chân tay, thốt lên: “không thể tin được” khi nghe kết quả chồng mình dương tính với Covid-19 được trung tâm y tế thông báo qua điện thoại. Chị không kịp định thần, chỉ chừng 30 phút sau, chiếc xe 7 chỗ màu trắng cùng lệnh thông báo bắt buộc cách ly tập trung đã tới đưa anh đi trước, còn lại 3 mẹ con cũng tất tả gói ghém đồ thiết yếu và đi luôn chuyến xe sau. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, bản thân chị cứ thế bị cuốn “vào trong cơn ác mộng mà mình chưa kịp định thần là mơ gì”.
Đến giờ phút này, chị vẫn không hiểu tại sao cái sự oái oăm ấy lại đến với gia đình, rơi vào đúng chồng mình.
Đã 12 năm chị phải chung sống với căn bệnh Lupus ban đỏ, sức khoẻ vốn đã yếu, mọi công việc gia đình, buôn xuôi bán ngược đều trông cậy cả vào chồng, bản thân chị chỉ quanh quẩn ở nhà. Cứ 2 tháng anh lại đưa chị đi cắt thuốc một lần. Ngày 12/3, anh đưa chị đến Bệnh viện Bạch Mai để khám và lấy thuốc định kỳ, sáng hôm ấy bệnh viện vắng hơn thường lệ, biết là đang trong tình hình dịch bệnh nên khi vào viện chị nhắc anh đeo khẩu trang, chủ động giữ khoảng cách với mọi người.
“Khi ấy viện cũng chưa có lệnh phong toả, mọi thứ vẫn hoạt động bình thường, chỉ khác chăng là lượng bệnh nhân có giảm hơn so với thường lệ thôi. Vì vậy mà vợ chồng tôi tiếp xúc cũng có nhiều người đâu, ngoại trừ bác sĩ khám, kê thuốc”, chị T. chia sẻ.
Hành trình của vợ chồng chị về sau như thế nào thì đã được thông tin chi tiết cả rồi.
Thời điểm này, khi được hỏi về cảm nhận của chị trước phản ứng dư luận, chị nói mình cũng không muốn thanh minh nhiều. Bởi những ca bệnh liên quan đến mình, lại xảy ra đúng thời điểm chồng chị dương tính với Covid-19 “và có mối liên hệ”. Nhưng chỉ có người bị bệnh mới hiểu được.
Thực tế, nhiều người nghĩ: “Anh chị đi lung tung, không giữ gìn”, nhưng thực chất trước khi mọi chuyện diễn ra chị cũng đã nhắc nhở chồng con phải thật thật trọng. Thời điểm đó chưa có lệnh cách ly, phong toả xã hội, nên anh vẫn đi công việc như bao người khác. Nhiều người hàng xóm đến chơi, anh chị còn thông báo là “mới dưới Bạch Mai về”, hạn chế tiếp xúc. Đám cưới con nhà bác (anh trai của chồng) lại tổ chức liền kề ngay gần nhà, không đến thì không được, hơn nữa “sức khoẻ cũng vẫn hoàn toàn bình thường”.
“Có phải chồng bị bệnh mà không khai báo hay cố tình đi lây nhiễm đâu…”. Giọng của chị nghẹn lại, những tủi cực của người phụ nữ vốn đang mang bệnh như muốn nhận được sự cảm thông từ phía người nghe.
Chị nói, ngay cả khi đi lấy mẫu xét nhiệm ngày 1/4, các bác sĩ cũng cho rằng, trường hợp của anh chị từ khi đến Bạch Mai ngày 12/3 đã quá thời gian quy định là 14 ngày, nên có thể tiếp xúc lấy mẫu trực tiếp được. Trước đó, khi nghe về thông tin kê khai những trường hợp đã từng đến Bạch Mai, chị cũng đã giục anh tự giác đến xin lấy mẫu.
Khi đến khu cách ly tập trung, ba mẹ con chị được ở cùng nhau, cháu đầu 19 tuổi (đang học năm nhất đại học) ở cùng phòng, cháu thứ hai năm nay lớp 7 ở ngay tầng trên. Từ lúc đi cách ly đến nay, cả gia đình chị đều căng thẳng, ngoài sức khoẻ trực tiếp bản thân còn những áp lực thông tin về hàng xóm, dân làng. Hàng ngày đứa lớn đều đưa cho chị đọc những bài báo viết về ca bệnh 243 của chồng, đọc bình luận của mọi người chị đều thấy xót xa, tủi cực.
Trên hết lúc này, chị chỉ mong sớm nhận được kết quả tốt từ anh, cả gia đình và mọi người đều bình an. “Mừng nhất là mình luôn được đội ngũ y bác sĩ quan tâm chu đáo, chăm sóc tận tình nên có niềm tin, chiến đấu với bệnh tật. Sức khoẻ của ba mẹ con và những người trong này đều ổn định, kết quả vẫn cho âm tính”.
Nhắn gửi đến mọi người, chị chỉ nói: “Cộng đồng lúc này đừng nghi kỵ nhau, tất cả nên tập trung đồng lòng, theo sự hướng dẫn của Chính phủ. Gia đình cũng mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ người dân để có niềm tin chiến thắng dịch bệnh”.
"Bên kia anh cũng thế, chẳng đêm nào ngủ được, cứ nghĩ về bà con ở nhà là vợ chồng lo lắng". Anh lại vừa gọi cho chị, “ca thứ 5 của thôn”, cả 2 đều im lặng, ngậm ngùi.
![]() Tính đến 7h sáng ngày 11/4, Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,69 triệu người nhiễm virus corona ... |
![]() Chiều 10/4, đội ngũ y bác sĩ gồm 45 người của khoa Y học Nhiệt đới chịu trách nhiệm điều trị cho 6 ca bệnh ... |
![]() Các nhà khoa học mới đây phát hiện virus corona có thể sinh sôi, nhân bản rất nhanh ở cổ họng của bệnh nhân. |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
