![]() |
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng phát động Chương trình “Máy tính cho em”. Ảnh: Thúy Ngà |
Lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng vui vẻ chia sẻ với tôi, việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh phát động Chương trình “Máy tính cho em” là nhằm phục vụ ngay cho hoạt động dạy và học phù hợp với tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh; giúp rút ngắn khoảng cách vùng miền trong cơ hội tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại, làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng,… nên đã nhận được sự đồng thuận cao không chỉ trong ngành Giáo dục mà lan tỏa đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ngay trong buổi lễ phát động tại Sở GD&ĐT, ba đồng chí lãnh đạo là Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ủng hộ Chương trình 50 triệu đồng. Đây vừa là sự chia sẻ của cá nhân các đồng chí với hoạt động dạy và học của thầy, trò, vừa thể hiện sự quan tâm, ý chí quyết tâm của tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Cán bộ, công chức cơ quan Sở GD&ĐT và một số đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Đà Lạt cũng nhanh chóng ủng hộ cho Chương trình.
Vẫn theo ông Sơn, hơn 22 ngàn cán bộ, nhà giáo, NLĐ gần 700 đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đều thấu hiểu ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tích cực ủng hộ, mỗi người ít nhất một ngày lương cho Chương trình. Đến nay, Chương trình đã tiếp nhận được hơn 1,6 tỷ đồng, sẵn sàng hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
![]() |
Phòng Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Lạt ủng hộ Chương trình “Máy tính cho em”. |
Tâm huyết và hy vọng ở Chương trình
Ở huyện Đam Rông, nơi có những lớp học 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ các nhà giáo đến phụ huynh và học sinh càng cảm nhận được Chương trình có ý nghĩa thiết thực đến nhường nào.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Dự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ M’Rông có lẽ là người hiểu hơn ai hết về giáo dục vùng sâu, vùng xa đang thiếu gì và cần gì, bởi thầy đã dành cả tuổi thanh xuân và hơn 20 năm gắn bó với nhiều học sinh nơi đây. “Ngay khi Chương trình được phát động, 100% cán bộ, nhà giáo, nhân viên của trường đã đăng ký với công đoàn để được ủng hộ ngay, mỗi người ít nhất cũng là một ngày lương, chúng tôi chỉ mong các em học sinh ở đây sớm được tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại như học sinh vùng phát triển”, thầy Dự nói.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Huyên, Chủ tịch CĐCS Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) thì cho biết, không chỉ là công cụ phục vụ cho giải pháp tình thế khi các nhà trường thực hiện dạy - học online để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, máy tính còn rất cần trong quá trình dạy học chương trình giáo dục đổi mới sau năm 2020. Học sinh ở vùng phát triển đã cần, học sinh ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn càng cần hơn nhiều vì “sóng và máy tính” sẽ là phương tiện hữu ích nhất, con đường ngắn nhất giúp các em tìm đến tri thức. “BCH CĐCS trường đã triển khai Chương trình rất sớm, cán bộ, nhà giáo ai cũng nhiệt tình ủng hộ và nhanh chóng thu được gần 15 triệu đồng từ sự góp sức của hơn 40 người”, thầy Huyên cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Minh, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, người đã có hơn 30 năm gắn bó với ngành vẫn luôn dõi theo từng phong trào, hoạt động xã hội của ngành. Nói về Chương trình “Máy tính cho em”, bà Minh chia sẻ, khi bà còn công tác, công đoàn và lãnh đạo Sở rất quan tâm hỗ trợ giáo dục vùng xa, vùng khó khăn từ nguồn xã hội hóa với các phong trào “Trường giúp trường”, “Cụm trường giúp trường”, tặng nhà công vụ giáo viên, giếng nước, nhà vệ sinh, phòng học, đồ dùng dạy học và cả máy vi tính,… nhưng hỗ trợ được nơi này thì lại thiếu ở nơi khác, vì nguồn lực thì có hạn trong khi nhu cầu thì ngày càng tăng.
“Nay Chương trình được phát động rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, huy động được nguồn lực san sẻ những khó khăn, vất vả về điều kiện học tập của học sinh, giáo viên, chắc chắn sẽ giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập, được bình đẳng trong tiếp cận học tập. Tôi rất vui!”, bà Minh nói.
![]() LĐLĐ tỉnh Long An hiện đang triển khai Chương trình "Công đoàn trao gửi yêu thương - cùng em đến trường”. Do đó, công đoàn ... |
![]() Nhận được phần quà hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Nguyễn Trần Mỹ Duyên không giấu được niềm vui. Từ ... |
![]() Vừa qua, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Lễ phát động trực tuyến triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa ... |