Ngày 30/12, trao đổi về vấn đề nhà ở xã hội tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thừa nhận, việc triển khai làm nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Bản chất là các dự án nhà ở xã hội liên quan đến rất nhiều thủ tục, liên quan đến rất nhiều quy định khác nhau. Một trong những khó khăn là do trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài.
Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính Phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản (Tổ công tác) đã làm việc với nhiều địa phương, doanh nghiệp, nắm bắt được các khó khăn của thị trường, doanh nghiệp bất động sản. Để giải quyết, cần có giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương.
Theo đó, ông Dũng đã chỉ ra 3 nhóm khó khăn chính của thị trường bất động sản hiện nay bao gồm: Các quy định pháp luật còn chồng chéo; trình tự triển khai thực hiện các dự án còn vướng nhiều rào cản; các dòng vốn đang gặp khó (nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn phát hành trái phiếu,...).
![]() |
Việc triển khai làm nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn chính là do trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài. Ảnh - Báo TN |
Ông Dũng cho biết: "Giải pháp, trình tự thủ tục đầu tư liên quan nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, đang kéo dài dẫn tới chậm triển khai ở một số địa phương. Chúng tôi sẽ trình và hướng dẫn trình tự thủ tục các dự án nhà ở xã hội, làm căn cứ triển khai thực hiện nhanh gọn hơn".
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, vấn đề khó khăn vướng mắc của nhà ở xã hội về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ. “Vừa qua, chúng tôi cũng tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách như giao đất, đối tượng chủ đầu tư, vay vốn xây dựng hay vay vốn cho người mua nhà…”.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, vẫn còn một số vướng mắc. Những vướng mắc này đang được đề xuất sửa đổi, trong đó có vấn đề dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội.
“Nếu trước đây, chúng ta chỉ có dành 20% quỹ đất trong xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Thì lần này sửa đổi, chúng tôi đề xuất sửa đổi theo hướng giao cho UBND địa phương bố trí quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu, mở ra nguồn lực đất đai”, ông Sinh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Đặc biệt, giai đoạn 2021-2030 sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp, sau khi Bộ Xây dựng trình đề án xây dựng 1 triệu căn hộ, được Thủ tướng phê duyệt.
![]() |
Năm 2023 được kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ giúp giá bất động sản hạ nhiệt. Ảnh - Báo ND |
Trong năm 2022 các địa phương đã khởi công được 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng về những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện đề án trên thì trình tự, thủ tục thực hiện còn khá phức tạp khiến tiến độ dự án chậm triển khai và bị kéo dài.
Theo ông Sinh, trong thời gian tới sẽ xử lý lại các chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội, khi có những ưu đãi thì giúp giảm giá bán nhà ở xã hội. Ngoài ra, khi giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm chi phí lãi vay, nhân công, sử dụng đất..., thì chi phí xây dựng nhà ở xã hội là chi phí thật, tính đúng, tính đủ, để giá bán nhà ở xã hội ngày càng hợp lý hơn cũng giúp hạ giá nhà ở xã hội.
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
