
Động lực phát triển kinh tế từ những công ty bảo hiểm nhân thọ “made in Vietnam” |
Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển quốc gia, tạo việc làm, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 43% GDP.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Mới đây, trong bài viết của mình, Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, sử dụng hơn 85% lực lượng lao động phi chính thức và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa thể bứt phá như kỳ vọng cả về quy mô, hiệu quả lẫn năng lực cạnh tranh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng căn cốt nhất chính là những rào cản thể chế vẫn còn tồn tại dai dẳng. Thể chế không chỉ là luật pháp, mà còn là cách thức thực thi pháp luật, môi trường chính sách, văn hóa điều hành, và cả niềm tin mà hệ thống tạo ra đối với các chủ thể kinh tế.
Hiện nay, thể chế của chúng ta vẫn thiên về “quản lý” hơn là “kiến tạo và phục vụ”. Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (trước khi ngừng công bố), Việt Nam từng được xếp hạng 70/190 quốc gia về môi trường kinh doanh năm 2020, trong đó các chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp hợp đồng, tiếp cận tín dụng vẫn còn ở mức thấp.
![]() |
Muốn có doanh nghiệp lớn, hãy tư duy lớn và cải cách thể chế đủ lớn. |
Tình trạng “xin – cho”, chính sách thiếu minh bạch, và sự can thiệp hành chính tùy tiện là những yếu tố khiến doanh nghiệp tư nhân thiếu niềm tin và không dám đầu tư lớn. Một khảo sát của VCCI năm 2023 cho thấy, có 59,1% doanh nghiệp tư nhân cho rằng “thủ tục hành chính rườm rà và chi phí không chính thức” là rào cản lớn nhất đối với họ.
Một biểu hiện cụ thể và dai dẳng của điểm nghẽn thể chế là việc có tới 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhưng chỉ khoảng 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn.
Lý do rất rõ ràng: khi là hộ kinh doanh họ được vận hành đơn giản, ít bị thanh tra, kiểm tra và ít gánh nặng thủ tục. Nhưng khi trở thành doanh nghiệp chính thức, họ phải đối mặt với hệ thống pháp lý phức tạp, chi phí cao hơn và nhiều rủi ro pháp lý.
Báo cáo PCI năm 2023 của VCCI cho thấy, gần 50% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho rằng họ bị kiểm tra, thanh tra quá nhiều lần trong năm. Vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ “không muốn lớn”, mà là thể chế chưa đủ hấp dẫn, minh bạch và đáng tin cậy để họ “có thể lớn”.
![]() |
Khi thể chế mở đường, doanh nhân sẽ cất bước. Và khi doanh nghiệp vươn lên, quốc gia sẽ vươn mình cùng với họ. |
Trong khi đó, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước là đến năm 2030 khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 70% GDP như trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm chủ chuỗi cung ứng và hội nhập sâu rộng. Đây là một mục tiêu đúng đắn và đầy khát vọng.
Song, để đạt được chúng ta cần những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, cần xóa bỏ những rào cản bất hợp lý đang “kìm hãm” sự lớn mạnh của khu vực tư nhân. Đó là, các rào cản về tiếp cận tín dụng, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được tín dụng ngân hàng theo khảo sát của ADB năm 2022. Về thủ tục đất đai, giấy phép đầu tư và chính sách thuế.
Thứ hai, cần có những chính sách đặc biệt để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, chỉ có khoảng 9% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ 4.0 (theo Bộ KH&CN năm 2023), và phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn hoạt động ở “vùng trũng giá trị gia tăng”.
![]() |
Doanh nghiệp mạnh không chỉ tạo ra công ăn việc làm và của cải cho xã hội, mà còn giúp quốc gia nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. |
Thứ ba, điều này đặc biệt quan trọng, đó là bảo đảm an toàn pháp lý và quyền tài sản cho doanh nghiệp. Vấn đề “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự” tuy đã được thừa nhận và cảnh báo nhiều lần, nhưng trong thực tiễn vẫn là một mối lo thường trực đối với không ít doanh nhân.
Vai trò của Nhà nước trong quá trình này là then chốt. Nhà nước cần chuyển từ “chủ thể quản lý” sang “người kiến tạo phát triển và bảo đảm thực thi công bằng”. Không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh, mà cần tạo dựng môi trường pháp lý minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích sáng tạo.
Thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều cho thấy, khi Nhà nước rút lui khỏi vai trò làm thay, và tập trung thiết kế thể chế tốt, thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện cất cánh. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó, nếu chúng ta thực sự quyết tâm cải cách.
Muốn có doanh nghiệp lớn, thì phải có tư duy lớn và thể chế lớn. Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo và vững mạnh. Khi thể chế mở đường, doanh nhân sẽ tự tin bước tới. Và khi doanh nghiệp vươn lên, quốc gia sẽ vươn mình cùng với họ.
![]() Mới đây, chúng tôi có chuyến đi dài, đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu nỗ lực phục hồi hậu Covid. |
![]() Sáng ngày 26/3/2024, Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” do CafeF (một thành viên của VCCorp) tổ chức, ... |
![]() Nền kinh tế bạc (Silver Economy) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục ... |
Tin mới hơn

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc
Tin tức khác

Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững

Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam
