![]() |
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP. Sóc Trăng trao quà cho các đoàn viên, người lao động Công ty TNHH SX & TM Duy Nhật (Sóc Trăng). |
1. Các TCLĐ quốc tế
TCLĐ quốc tế của ILO là những TCLĐ được quốc tế công nhận, được quy định tại các công ước và khuyến nghị của ILO. Trong số 189 TCLĐ của ILO, có 08 TCLĐ quốc tế cơ bản, có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các quốc gia thành viên. Đó là Công ước số 87 về tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức; Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và bắt buộc; Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau; Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; Công ước số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc; Công ước số 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 07 Công ước về TCLĐ quốc tế cơ bản, bao gồm Công ước số 98, Công ước số 100, Công ước số 111, Công ước số 138, Công ước số 182, Công ước số 29 và Công ước số 105. Riêng với Công ước số 87, Quốc hội dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023. Việc phê chuẩn hay gia nhập các công ước quốc tế là công việc quan trọng, cần có sự cân nhắc thấu đáo để phù hợp với điều kiện, đặc điểm và vì lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, Điều 2 Tuyên bố 1998 của ILO đã khẳng định, các quốc gia thành viên ILO, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn 08 công ước cơ bản đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện 08 công ước này một cách thiện chí. Đây là sự khác biệt cơ bản về mặt nghĩa vụ tuân thủ giữa 08 công ước cơ bản với các công ước khác của ILO. Như vậy, ngoài việc phải thực hiện đầy đủ nội dung của 07 công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn, thì Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện một cách thiện chí đối với 01 công ước cơ bản còn lại của ILO mà Việt Nam chưa phê chuẩn.
![]() |
Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thăm hỏi công nhân Công ty TNHH Cao su CAMEL tại Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo. |
2. Cam kết của Việt Nam
Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đều có các quy định về TCLĐ, đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi pháp luật cho phù hợp và thực hiện trong thực tiễn, để được hưởng lợi ích thương mại trong các hiệp định.
Bên cạnh cơ chế giám sát của ILO, các hiệp định này đều có các cơ chế giám sát việc thực hiện các TCLĐ quốc tế ở các quốc gia thành viên. FTA thế hệ mới là các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA “truyền thống”, có mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình), có cơ chế thực thi chặt chẽ. Nhưng hơn thế, các FTA thế hệ mới bao hàm cả những cam kết về những lĩnh vực “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Đáng chú ý, trong số các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA. Trong đó, Hiệp định CPTPP có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 08 Công ước cơ bản về các nội dung: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Hiệp định EVFTA ghi nhận các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về lao động tại Điều 3 của Chương Thương mại và Phát triển bền vững (gồm 17 điều). Theo đó, cam kết về lao động trong EVFTA là cam kết đối với các nguyên tắc và các quyền lao động cơ bản được đề cập đến trong Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998 bao gồm: Tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; bãi bỏ hiệu quả lao động trẻ em; và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Như vậy, khi tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam đã cam kết thực thi đầy đủ các TCLĐ quốc tế cơ bản mà ILO khuyến nghị.
![]() |
Công đoàn Công ty Truyền tải điện 4 (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực hoạt động cán bộ công đoàn là Ủy viên BCH Công đoàn, Ủy viên BCH Công đoàn cơ sở thành viên, Tổ trưởng Công đoàn và các cán bộ chuyên môn các cấp. |
3. Vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam
Khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lần đầu tiên, vấn đề nhiều tổ chức Công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, trong doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức Công đoàn. Các tổ chức Công đoàn cơ sở này có thể thuộc hoặc không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam hiện nay.
Bởi vậy, thách thức lớn đặt ra là Công đoàn Việt Nam phải nỗ lực thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động khác (nếu có) được thành lập ở cơ sở. Điều này đặt ra yêu cầu cần thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của Công đoàn Việt Nam đã được hình thành và khẳng định trong thực tế hơn 90 năm qua.
Trong khi Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội, bên cạnh chức năng bảo vệ người lao động còn có hai chức năng rất đặc thù, là tham gia quản lý và tuyên truyền giáo dục công nhân lao động vì mục tiêu xây dựng đất nước, thì tổ chức Công đoàn độc lập (không thuộc Công đoàn Việt Nam) không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị mà chỉ tập trung chủ yếu nguồn lực vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Đây sẽ là thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải ưu tiên hướng mạnh nội dung hoạt động vào thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để “cạnh tranh” với tổ chức đại diện người lao động khác.
![]() |
Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề thu hút người lao động vào tổ chức Công đoàn sẽ được đặt ra gay gắt. Trong ảnh, Thường trực Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi công bố thành lập Công đoàn cơ sở và kết nạp 520 đoàn viên Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam – Chi nhánh Quảng Ngãi. |
Tuy nhiên, thực tiễn trên cũng có thể xem là cơ hội, là “cú hích” để Công đoàn Việt Nam tự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới. Việc nỗ lực giải quyết các thách thức về về tài chính, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của công đoàn và về việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn… sẽ khiến Công đoàn Việt Nam có những bước phát triển tích cực, có khả năng mang tính đột phá.
Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là thể hiện sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc thực hiện những cam kết về lao động, công đoàn tuy là những thách thức không nhỏ, song là yếu tố quan trọng để đảm bảo lợi ích kinh tế của Việt Nam khi là thành viên của các hiệp định này, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Chú thích:
*Lược trích tham luận “Các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam về lao động, vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Công đoàn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của tác giả tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới’, do Viện khoa học ATVSLĐ phối hợp với Trường Đại học Công đoàn tổ chức, tháng 11/2020.
![]() Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 4 tháng qua đã ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Công đoàn Nghệ ... |
![]() Dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng tại tỉnh Bình Dương, người lao động thất nghiệp, gặp khó khăn vì dịch bệnh. Chính vì thế, ... |
![]() Từ sự động viên, giúp đỡ của Ban giám hiệu và Công đoàn Trường Tiểu học Hà Châu (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), cô ... |
Tin mới hơn

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Kinh tế tư nhân và bứt phá thể chế

Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững
Tin tức khác

Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Học tập suốt đời – Động lực phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
Nêu bật vai trò của công đoàn trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Gợi mở văn hóa Công đoàn Việt Nam hướng đến 100 năm hình thành và phát triển
Nhiệm vụ trọng tâm đưa Luật Công đoàn (sửa đổi) vào cuộc sống
