![]() |
Nhu cầu việc làm của người lao động là rất lớn, nhất là sau đại dịch Covid-19 - Ảnh: minh họa |
Chẳng lẽ chuyện ấy là thật sao?
Mất việc, thất nghiệp, giãn việc, nghỉ việc luân phiên là chuyện báo chí, dư luận nói rất nhiều thời gian qua. Cơ quan Nhà nước cũng chính thức xác nhận có 31 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập; 7,8 triệu người lao động mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên. Nhu cầu tìm việc làm đang cấp bách hơn bao giờ hết. Trên mạng xã hội công nhân tràn ngập thông tin tìm kiếm việc làm. Lúc này việc làm là câu chuyện nóng bỏng, khẩn thiết.
Nhưng cũng trên mạng xã hội công nhân, dễ dàng bắt gặp các thông tin tuyển dụng. Nhiều hứa hẹn hấp dẫn được đưa ra: không cần hồ sơ, chỉ cần chứng minh thư; được nghỉ thứ bảy, chủ nhật; không tăng ca, nhất là đi làm ngay… Tính xác thực của nó quả thực là một dấu hỏi.
![]() |
Một quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội với rất nhiều ưu ái cho các ứng viên nhưng liệu thực tế có như vậy? |
Chắc chắn vẫn nhiều doanh nghiệp tuyển lao động; số lượng, nghề nghiệp tùy yêu cầu của họ. Nhưng giữa thời dịch dã có thật nhu cầu tuyển dụng lớn đến thế không, hay đằng sau đó là vấn đề gì khác. Đã xuất hiện thông tin người lao động kêu ca thông tin tuyển dụng một đằng, vào làm việc doanh nghiệp yêu cầu một nẻo; rồi tăng ca, chạy sản lượng bất tận… Giờ lại có cả chuyện đăng tuyển dụng chơi?
Người công nhân đang rất vất vả tìm việc. Trong “ma trận” thông tin, có khi doanh nghiệp tốt, chế độ đãi ngộ đàng hoàng thì chỉ vì những lời ì xèo không thiện chí làm người lao động nghi ngờ, rồi rút bỏ như có bài báo phản ánh gần đây là tìm việc kiểu “đẽo cày giữa đường” hoặc người lao động quá tin vào lời hứa “đi làm ngay, làm ngày nào có tiền ngày đó” để rồi vỡ mộng; có khi cả tin đặt cọc và bị lừa mất tiền... thì việc một số người rỗi rãi “đăng tin tuyển dụng để chơi” thật sự là việc rất đáng lên án.
Đây là thứ tin giả nhắm vào những người đang khốn khổ tìm việc. “Họ không có việc gì nữa để làm ư?”, một bạn phẫn nộ comment; “Không còn gì để đùa sao, nỡ nào đăng tuyển dụng đùa để vui được?”, một bạn khác viết… Tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi bức xúc với họ. Không phẫn nộ sao được khi đó là chuyện đời sống, cơm áo gạo tiền. Mất công, mất sức, mất thời gian và mất tiền, sao đùa được?
![]() |
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp do dịch bệnh phải nghỉ việc. -Ảnh: Nguoilaodong.com |
Các cụ ta dạy, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Các cụ cũng dạy “sông có khúc, người có lúc”. Các cụ còn dạy “Ăn mày là ai, ăn mày là ta/Đói cơm rách áo thì ra ăn mày”. Điều mình đùa người lúc này có thể đến lúc đời đùa lại mình, bởi luật đời rất công bằng. Xin đừng đùa cợt trên nỗi đau khổ, vất vả của người khác. Đó là chuyện không thể và không nên đùa. Nó thất đức và thật vô lương tâm.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
