![]() |
Ông Nguyễn Quốc Trí (67 tuổi) vui mừng khi biết tin khu tập thế Ngọc Khánh sẽ được cải tạo xây dựng - Ảnh: M.K |
Văn bản số 5621 của UBND TP. Hà Nội nêu rõ 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư, tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, khu tập thể Ngọc Khánh và khu tập thể Đường sắt sẽ do tập đoàn Vingroup cải tạo, xây dựng.
Đây là 2 khu tập thể được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, cấp cho cán bộ công nhân viên của Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội, và Công ty Khảo sát thiết kế đường sắt (nay là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải).
Ông Nguyễn Quốc Trí (67 tuổi), công nhân nghỉ hưu sống tại đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh phấn khởi nói với Cuộc sống an toàn: "Tôi đã nghe báo đài nói, hôm vừa rồi chúng tôi cũng lên họp với quận rồi, thống nhất quan điểm là chúng tôi rất mong đợi doanh nghiệp vào cải tạo, càng sớm càng tốt. Cứ cho chủ đầu tư vào là chúng tôi sẵn sàng đi ngay. Các ông làm trong bao nhiêu năm, và thời gian chúng tôi có thể quay về lại thì xin cam kết với dân".
Cùng quan điểm đó, một phụ nữ nói: "Chúng tôi mong muốn quá đi chứ. Nhưng mà phải làm nhanh, đừng như nhiều khu người ta chết chả được ở nhà mới".
![]() |
Cầu thang khu tập thể Ngọc Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: M.K |
Công trình nhà A Ngọc Khánh gồm 2 đơn nguyên 5 tầng trên địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Giống như bao khu tập thể khác, để tăng diện tích sử dụng, các hộ dân tự sửa chữa, cơi nới thêm diện tích trước và sau nhà. Đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh đã được đánh giá xếp loại nguy hiểm cấp D, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng bình thường. Tại vị trí khe lún giữa 2 đơn nguyên hình thành khe hở lớn dần từ dưới lên hình chữ V, có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Cầu thang xuống cấp, thấm ẩm, bê tông bị bong vỡ, lộ cốt thép. Phần mái hư hỏng, nhiều căn hộ bị thấm dột...
Phía sau khu tập thể Ngọc Khánh là các dãy nhà thuộc khu tập thể Đường sắt. Mỗi dãy nhà hiện nay có khoảng hơn 20 hộ dân sinh sống, diện tích mỗi căn hộ từ 20m2 - 30m2. Nhiều căn hộ có tới 3 - 4 thế hệ sinh sống trong điều kiện vô cùng chật chội. Khu tập thể này cũng xuống cấp trầm trọng, thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy. Chia sẻ với Cuộc sống an toàn, người dân nơi đây đều mong muốn khu tập thể được cải tạo, nâng cấp để họ có một chỗ ở tốt hơn.
![]() |
Nhiều người dân khu tập thể Đường sắt mong muốn được cải tạo, xây dựng lại - Ảnh: M.K |
Gia đình bà Hiền gồm 4 thế hệ, tất cả 8 thành viên sống trong căn phòng 20m2, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi trời mưa. Bà cho biết trước đây cũng có một số đoàn tới khảo sát hiện trạng khu tập thể để cải tạo, xây dựng lại nhưng cho đến nay mọi việc vẫn chưa được tiến hành.
Ông Đoàn Văn Thắng, phòng 5, nhà TK2, khu tập thể Đường sắt nói: "Nhà này xây từ năm 1984, hoàn thành năm 1987, rồi cấp cho tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Khảo sát thiết kế đường sắt. Trước kia nhà lợp bằng mái ngói, hơn chục năm nay được thay bằng tôn cho đỡ dột. Chúng tôi cũng mong được xây lại vì nhà cũng xuống cấp và nhếch nhác lắm rồi".
Ngày 9/12/2019, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 7020/QĐ-UBND thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND thành phố, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai. Theo Quyết định, Tổ chuyên gia gồm 1 Tổ trưởng, 3 Tổ phó và 14 thành viên. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục được giao là Tổ trưởng. Các Tổ phó gồm: Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. |
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
