![]() |
Cuối năm 2021, sau khi trở thành một trong những quốc gia đạt độ phủ vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới, Chính phủ chuyển chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng linh hoạt, các hoạt động của nền kinh tế dần trở lại bình thường. Trong dòng chảy chung, thị trường lao động dần phục hồi, nhưng những thách thức vẫn còn đó…
Xu hướng phục hồi nhanh
Cho đến cuối quý 1/2022 Việt Nam vẫn ghi nhận tới hơn 80.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày. Nhưng cũng trong thời điểm đó thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi, sau khi nền kinh tế từng bước “mở cửa trở lại”.
Kết quả khảo sát trong quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người có việc làm đầu năm nay và thu nhập bình quân tháng của người lao động ghi nhận những chuyển biến. Hầu hết các chỉ số tăng hoặc giảm đều mang ý nghĩa tích cực so với thời gian trước; trong đó đáng chú ý, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng hơn 130 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số người thiếu việc làm trong độ tuổi khoảng 1,3 triệu người, giảm hơn 130 nghìn người so với quý trước.
Điểm tích cực nữa là thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng so với trước. Trong số đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong các khu vực kinh tế. Và tình hình thất nghiệp cũng đã khả quan hơn khi số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào thời điểm này khoảng 1,1 triệu người, giảm gần nửa triệu người so với quý trước.
![]() |
Theo Tổng cục Thống kê, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, đã thúc đẩy thị trường lao động khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận cuối năm 2021.
Cũng ngay trong thời điểm đó, khi mà số ca COVID-19 tại Việt Nam liên tục vượt trên 100.000 ca/ngày, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc thiết lập các kênh kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy, góp phần phục hồi thị trường lao động. Tại hội nghị trực tuyến với 34 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 04/3, nhiều đề xuất giải pháp công đoàn tham gia khôi phục thị trường lao động năm 2022 đã được đưa ra, cùng các kế hoạch thống nhất triển khai ở công đoàn các cấp và doanh nghiệp.
Nối tiếp những chuyển biến trên thị trường lao động quý 1/2022, cập nhật dữ liệu từ Tổng cục Thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy thêm xu hướng tích cực: cả nước đã có 63 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký 437,7 nghìn lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tiềm ẩn thiếu bền vững
Nhìn lại quá trình phục hồi trên, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đánh giá, với việc thay đổi chiến lược từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt”, nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu phục hồi kéo theo đó là hoạt động nhộn nhịp trở lại của thị trường lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá, từ sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường lao động ấm dần lên và có xu hướng phục hồi rất nhanh. Số lượng thu hút lao động tại doanh nghiệp sau COVID-19 lên tới 88 đến 89% nhiều nơi là 100%, đây là số lao động về Tết rồi quay trở lại.
![]() |
Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện có một tồn tại đáng lưu ý là lao động tuyển mới tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động không có tay nghề, lao động phổ thông. “Tình hình chất lượng nguồn nhân lực của ta đang có vấn đề. Mặc dù thị trường lao động đã phục hồi nhưng thiếu lực lượng lao động chất lượng cao”, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.
Tổng cục Thống kê cũng có chung nhận định, mặc dù có khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Như quý 1/2022, lực lượng lao động tăng so với quý trước, song vẫn thấp hơn 403,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch. Cùng đó, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, cao hơn mức bình thường cũ là 1,59 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm. Lao động tự sản tự tiêu vẫn cao hơn những năm trước đó khoảng 700 nghìn người.
Đáng chú ý, trong quý 1/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2 đến 3%, thiếu hụt lao động phổ thông chủ yếu ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và thiếu hụt ở một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục…
“Một thành tựu rất lớn”
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tín hiệu tốt của thị trường lao động hiện nay cho thấy chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, cụ thể là Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trong đó có khôi phục và phát triển thị trường lao động để tái cơ cấu nền kinh tế, là rất đúng hướng.
“Từ chủ trương đúng đắn đó, chúng ta thực hiện sát sao và tích cực, cho nên thị trường lao động ấm lên và duy trì phát triển được. Đây là một thành tựu rất lớn”, ông Lợi nhấn mạnh.
![]() |
Ông Lợi nhận định, trong năm 2022, khả năng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch và sẽ nằm dưới 4% ở khu vực thành thị và trên dưới 2% của lao động chung là điều chắc chắn.
Cùng quan điểm và dự báo trên, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng có nhiều căn cứ để đưa ra nhận định này. Đó là tình hình thất nghiệp đã có nhiều cải thiện. Tiếp đến là hàng loạt chủ trương, chính sách hồi phục của Chính phủ và các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng thời, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại, các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, do đó nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trở lại.
![]() Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường mong muốn lãnh đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm, đảm bảo quyền lợi, chế ... |
![]() Giá xăng dầu ngày 1/6 vừa qua tăng lên xấp xỉ 31.578 đồng/lít, kéo theo hầu như tất cả các loại hàng hóa đồng loạt ... |
![]() Stress – căng thẳng liên quan tới công việc có thể gây ra những kết quả không mong muốn cho công nhân, viên chức, người ... |
Tin mới hơn

Chinh phục nhà tuyển dụng: Bí kíp săn việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Hơn 14.000 vị trí việc làm đầu Xuân cho người lao động ở Huế
Cẩn trọng “sàng lọc” thông tin tuyển dụng lao động sau Tết
Tin tức khác
Lương tổng công trình sư về vũ khí tối đa có thể lên đến 220 triệu/tháng
Hà Nội: Hàng ngàn cơ hội việc làm mở ra cho chiến sĩ nghĩa vụ công an

Công ty CP Đầu tư BVN Quảng Bình tuyển 82 lao động với nhiều vị trí việc làm

NVIDIA tuyển dụng nhiều vị trí tại Việt Nam - cơ hội lớn cho nhân tài công nghệ

Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế tuyển dụng 1.000 lao động
