![]() |
Bản so sánh kết quả nghiên cứu cũ và nghiên cứu mới công bố về ảnh hưởng của nước biển dâng đối với miền Nam Việt Nam. Đồ họa: News York Times |
Năm 2050, gần như cả miền Nam ngập dưới nước ở đỉnh triều
Theo nghiên cứu mới nhất của Climate Central - tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, thực hiện và công bố trên chuyên san Nature hôm 29/10 thì đến năm 2050, phần lớn miền Nam Việt Nam sẽ ngập dưới nước ở đỉnh triều; số dân cư bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng có thể sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với dự đoán trước đây, xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển.
Trong đó, các tác giả dựa trên chỉ số vệ tinh để tính toán lại độ cao của đất liền và ảnh hưởng của nước biển dâng trong phạm vi lớn. Kết quả cho thấy đến năm 2050, khu vực sinh sống của khoảng 150 triệu người có thể sẽ bị nước biển nhấn chìm.
Bản đồ đầu tiên thể hiện dự báo trước đó về ảnh hưởng của nước biển dâng vào năm 2050. Tuy nhiên, bản đồ thứ hai chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng có thể trầm trọng hơn nhiều khi thủy triều lên. Hơn 20 triệu người Việt Nam, tức 1/4 dân số, hiện sống trên vùng đất sẽ bị ngập lụt. Phần lớn diện tích của Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ ở dưới nước.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) cho biết Việt Nam chưa có nhận định nào về việc toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
"Nghiên cứu của Climate Central sử dụng giả định triều có tần suất 100 năm/lần kết hợp nước biển dâng 2 m. Đây dự báo quá cực đoan", TS Huỳnh Thị Lan Hương phân tích. Bà Hương cho rằng nhiều yếu tố trong nghiên cứu của Climate Central (Mỹ) về nguy cơ ngập gây ra nước biển dâng tại các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, đặc biệt về mặt số liệu và giả định nghiên cứu.
Sự kết hợp của nhiều kịch bản cực đoan
Phân tích sâu hơn về nghiên cứu của Climate Central khi đưa ra nhận định "gần như toàn bộ diện tích miền Nam nước ta ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050", TS Hương chỉ ra 3 điểm bất hợp lý.
Kịch bản thứ nhất, nghiên cứu đã lấy số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh và áp dụng kết quả cho tất cả địa hình trên toàn cầu. Trong khi đó, sai số sẽ xảy ra ở những khu vực khác nhau về tự nhiên, mặt đệm đến lớp phủ, nhà cửa, dân cư của từng khu vực.
Do đó, dù đã áp dụng phương pháp hiệu chỉnh sai số khá phù hợp khi kết hợp dữ liệu của Lidar và phân tích mô hình mạng thần kinh nhân tạo, điều này cũng không thể áp dụng cho toàn bộ các khu vực trên Trái Đất. Đây là điểm bất hợp lý lớn nhất trong nghiên cứu, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với các vùng khác.
Kịch bản thử hai, “Không biết căn cứ vào đâu mà các nhà nghiên cứu của Mỹ lại dựa trên kịch bản này trong khi các đơn vị chuyên môn cũng không khuyến cáo sử dụng. Hiện, các quốc gia trong đó có Việt Nam chỉ xây dựng kịch bản ngập dưới đỉnh triều do nước biển dâng đến 1m”, TS Hương nói.
Climate Central đã dự báo dựa trên việc xây dựng kịch bản nước biển dâng 2m. Kịch bản này không được ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu phê duyệt và khuyến cáo sử dụng. Bởi lẽ nước biển dâng 2m trong vòng 80 năm nữa là điều khó xảy ra.
Kịch bản thứ ba mà bà Hương cho rằng vô lý, đó là nghiên cứu sử dụng thêm giả định về kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần kết hợp với việc nước biển dâng 2m.
"Đây là các yếu tố dự báo quá cực đoan và khó có thể xảy ra. Trong khi triều cường có thể chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó thì báo cáo này lại nhận định khu vực gần như ngập vĩnh viễn khi kết hợp với nước biển dâng", TS Hương phân tích.
![]() |
Hình ảnh Miền Nam ngập lụt của Bộ Tài nguyên Môi trường |
Dựa trên 3 điểm bất hợp lý này, bà Hương cho rằng nghiên cứu chỉ mang ý nghĩa thông điệp cảnh báo, chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra nhận định khi áp dụng.
39% diện tích Đồng bằng sông Cửu long có nguy cơ ngập trong năm 2100
Cùng với việc chỉ ra các điểm bất hợp lý trong nghiên cứu của Climate Central, đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng nêu nhận định về nguy cơ ngập dưới đỉnh triều của khu vực Đồng bằng sông Cửu long.
Theo đó, trong kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất (năm 2016) được Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng, nước ta có thể chịu ảnh hưởng nặng nề khi nước biển dâng 1m. Đây là kịch bản xấu nhất mà Bộ có thể đưa ra ở thời điểm này.
"Với kịch bản này, 39% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu long sẽ có nguy cơ ngập dưới đỉnh triều vào năm 2100. Đây là kịch bản khả dĩ nhất", bà Hương cho biết.
Do đó, người dân không nên quá hoang mang về nguy cơ khu vực bị xóa sổ. Mọi phân tích, đánh giá cần dựa trên số liệu Bộ Tài nguyên Môi trường cung cấp.
![]() |
Miền Tây liên tục có những trận ngập lịch sử trong thời gian qua do các tác động của nước biển dâng, địa hình sụt lún và triều cường đạt đỉnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng Đồng bằng sông Cửu long đang phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, dẫn đến các tác động xấu đến địa hình. Tác động đến từ việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến suy giảm phù sa, đô thị hóa khiến nền đất ngày càng yếu.
"Cộng đồng quốc tế đang có những nỗ lực để nhiệt độ Trái Đất không bị tăng quá 2 độ C. Nếu như đạt được điều này, mực nước biển sẽ không thể dâng cao đến 1 m và nguy cơ ngập lụt của các khu vực cũng không trầm trọng như dự báo", TS Hương nhận định.
Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương và phía người dân. Các đơn vị cần có chính sách về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu lượng phát thải ra bầu khí quyển. Khi những yếu tố này được cải thiện và tốc độ sụt lún được giảm thiểu, các kịch bản về ngập lụt đưa ra sẽ khả quan hơn.
![]() 39 người chết trong xe container ở Anh đang là "thảm kịch" gây chú ý trong nhiều ngày qua và sâu xa hơn là câu ... |
![]() Sáng ngày 2/11, sau những đợt mưa lớn, nhiều tuyến phố lớn ở TP Đà Nẵng ngập nước khiến người dân đi lại khó khăn. |
![]() Tối ngày 1/11, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đã nhận được điện thoại từ Anh, thông báo về việc con họ nằm trong số ... |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
