Hội thảo diễn ra tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động các tỉnh. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và công nhân, lao động đã đến tham gia sự kiện cho thấy vấn đề an toàn tài chính và an sinh xã hội đang rất được quan tâm.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: nld.com.vn |
Như chủ đề của Hội thảo đã đưa ra, các ý kiến, tham luận tập trung vào 2 mảng nội dung chính: vấn đề an toàn tài chính và vấn đề an sinh xã hội của người lao động. Qua các tham luận và ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo, chúng ta thấy, hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau: tài chính có được bảo đảm thì an sinh xã hội mới được nâng cao; ngược lại, an sinh xã hội góp phần tạo ra sự an toàn cho người lao động về mặt tài chính trong quá trình làm việc và khi nghỉ hưu.
TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra một thực trạng đáng lo ngại là có 11% công nhân, lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt hoặc để khám chữa bệnh. Những con số này khẳng định mức lương hiện tại chưa bảo đảm được đời sống của khá nhiều công nhân, lao động. “Công nhân, lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh” - TS. Vũ Minh Tiến kết luận.
Trong yếu tố tác động qua lại giữa tài chính và an sinh xã hội, chủ đề “rút Bảo hiểm xã hội một lần” cũng được nhiều tham luận, ý kiến phân tích. Bên cạnh tâm lý lo sợ sự thay đổi chính sách trong tương lai sẽ gây thiệt thòi cho bản thân, người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần còn do nguyên nhân khác: vì đời sống quá khó khăn. Các chuyên gia đều thống nhất là cần tuyên truyền một cách cụ thể, rõ ràng cho công nhân, lao động hiểu được những thiệt thòi của việc rút Bảo hiểm xã hội và những lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm xã hội lâu dài, liên tục. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội còn hạn chế là do bất cập giữa “cung và cầu”, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm nhiều đến tương lai cho người lao động. Tình trạng doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động không đúng với mức lương thực tế mà thấp hơn rất nhiều là một vấn đề cần được chấn chỉnh.
![]() |
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: tienphong.vn |
Những thành quả đạt được của Công đoàn các cấp trong việc hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động trong và sau đại dịch Covid-19 được ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra là rất đáng ghi nhận. Những chương trình như “Siêu thị 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, “Tổ công nhân tự quản” đã giúp công nhân, lao động vượt qua những khó khăn trong hai năm qua. Về vấn đề tài chính cho công nhân, lao động, ông Nguyễn Thành Đô cho biết, hiện nay, Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, mở thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít, thủ tục đơn giản để hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Đây cũng là một giải pháp hiệu quả để chống lại “tín dụng đen”.
Một số tham luận khác đưa ra các giải pháp thiết thực trong vấn đề tài chính và an sinh xã hội cho người lao động như: cần giải quyết tạo việc làm ổn định; tuyên truyền về lợi ích đóng bảo hiểm cho người lao động; chính sách an sinh xã hội cần phải được triển khai đồng bộ; … Để có các giải pháp khả thi, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu toàn diện cuộc sống, đời sống người lao động.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
