Thác Cam Ly, một địa danh nổi tiếng, một trong những biểu tượng đẹp đẽ, thơ mộng của Đà Lạt, từng đi vào thơ, vào nhạc, vang lên trong các bài hát gọi mời du khách gần xa, được nhiều thế hệ yêu thích nay bỗng xảy ra cơ sự quá đáng buồn và đáng trách.
Mặc dù, khi vụ cháy xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến phun nước dập lửa nhưng do lớp rác tích tụ nhiều năm rất dày, lại gặp thời tiết hanh khô nên rất khó khống chế, đám cháy vẫn đang diễn ra trên diện rộng.
Mặc dù đám cháy đang diễn ra nhưng nhiều xe rác vẫn chở rác về đây tiếp tục thêm rác vào ... lửa!
Và mặc dù bài rác Cam Ly đã được chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng ra lệnh đóng cửa từ năm 2020 thế nhưng rác vẫn cứ tiếp tục đổ vào đây từ đó đến nay.
Sự cố cháy bãi rác đã như giọt nước tràn ly và cháy rác thì lộ ra nhiều thứ mà có thể ai đó muốn che giấu, muốn lờ đi. Dù gì vẫn có những câu hỏi không thể không đặt ra.
Vì sao ở một thành phố du lịch đáng yêu và nổi tiếng như Đà Lạt, người ta lại đành lòng quy hoạch một bãi rác gần danh thắng thác Cam Ly? Vì sao chính quyền địa phương đã cấm đổ rác từ năm 2020 mà hoạt động này vẫn tiếp diễn suốt mấy năm qua? Vì sao trong lúc đám cháy đang diễn ra mà rác vẫn cứ đổ vào đây?
Khi ô nhiễm môi trường từ rác thải, khí thải đã diễn ra trên diện rộng và nguy cơ trầm trọng, kéo dài thì đời sống sức khỏe của người dân rồi sẽ ra sao? Người dân bản địa đã thế thì du khách còn đến Đà Lạt nữa hay không khi mùa du lịch chỉ mới bắt đầu? Các nhà đầu tư sẽ nghĩ gì khi muốn đến nơi này?
Được biết chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đang điều tra thủ phạm vụ đốt rác. Chuyện này đương nhiên là cần thiết và phải xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên "thủ phạm" lâu dài và sâu xa hơn phải chịu trách nhiệm về sự ra đời và tồn tại của bãi rác này, cần phải được xử lý nghiêm, trước hết về mặt dư luận.
Người ta thường ví von du lịch là ngành công nghiệp không khói, không phải nhà máy sản xuất công nghiệp, không gây ô nhiễm; lại cũng ví đó là “con gà đẻ trứng vàng”, sẽ được mọi người nâng niu, trân trọng, chào đón. Vậy có lẽ nào thành phố du lịch nổi tiếng lại tự mình gây ô nhiễm thì còn thu hút ai đây? Và lẽ nào “con gà đẻ trứng vàng” được kỳ vọng lại cũng tự mình hít thở không khí ô nhiễm, ăn thức ăn bẩn thì lúc ấy sẽ đẻ trứng vàng hay trứng ung, mọi người xa lánh? Những câu hỏi này phải dành cho những nhà quản trị xã hội địa phương, nếu không có giải pháp căn cơ, quy hoạch và kiểm soát bài bản thì mọi sự cố đều có thể xảy ra, rồi cứ lâm vào tình thế bị động, nước đến chân mới nhảy!
Cần phải chấn chỉnh ngay bằng những biện pháp tình thế và bền vững. Để rồi những bãi rác không còn ngang nhiên ngự trị ở những nơi không phải của chúng, không chỉ làm ô nhiễm môi trường, thui chột cảnh quan, xâm hại sức khỏe mà còn đầu độc cả tâm hồn người khác.
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
