![]() |
Người lao động tìm việc làm tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì (Hà Nội) lần thứ I năm 2023. Ảnh: TTDVVL Hà Nội. |
Báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Tỷ lệ thiếu việc làm quý II năm 2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi cao nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3,01% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 1,03%.
So với quý trước, tỷ lệ này giảm duy nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, 5 vùng còn lại tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này tăng ở ba vùng Đông Nam Bộ với 0,65 điểm phần trăm, Đồng bằng sông Hồng với 0,41 điểm phần trăm, Tây Nguyên với 0,02 điểm phần trăm; ba vùng kinh tế - xã hội còn lại đều chứng kiến sự sụt giảm của tỷ lệ thiếu việc làm.
Như vậy, lao động ở vùng Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn (thường có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước trong điều kiện bình thường) tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm từ quý I năm 2023 do tập trung nhiều DN lớn bị cắt giảm đơn hàng.
![]() |
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động các quý năm 2021-2023 - Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành Dệt may, ngành Chế biến gỗ và ngành Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II năm 2023 đều giảm so với quý trước lần lượt là 142,5 nghìn người, 16,9 nghìn người và 30,2 nghìn người. Ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động Xã hội dự báo, thiếu đơn hàng có thể khiến DN tiếp tục cắt giảm lao động, nhiều nhất trong các ngành Sản xuất trang phục (có thể giảm tiếp 123.000 người), Nông nghiệp và Dịch vụ, bán lẻ. Lao động ngành Xây dựng, công trình kỹ thuật cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì hoạt động đầu tư công giai đoạn này phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.
Theo Tổng cục Thống kê, quý II năm 2023, khoảng 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước và tăng 58,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực thiếu việc làm cao nhất (397,1 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng (274,3 nghìn người); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất (269,3 nghìn người). Áp lực sa thải lao động từ các DN đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ khiến lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng mạnh.
Tính theo khu vực, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý II/2023 là 1,66%, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,31%).
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới (tháng 5/2023) nhận định: Các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Triển vọng của thị trường lao động toàn cầu vẫn còn rất bấp bênh. Để ổn định và củng cố thị trường lao động, cần có các chính sách, biện pháp giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý năm 2022 - 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, độ tuổi lao động bao gồm: Nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 tuổi (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 9 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi (năm 2023). |
Tin mới hơn

Chinh phục nhà tuyển dụng: Bí kíp săn việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Kết nối việc làm, ổn định thị trường lao động Thủ đô
