![]() |
Căn nhà nơi các đối tượng nhốt nữ sinh giao gà ở Điện Biên Tết Âm lịch vừa qua. |
Áp lực và nỗi lo an toàn
Chỉ cần sở hữu một chiếc xe, một điện thoại truy cập mạng và một chút am hiểu về đường phố nơi mình sinh sống là ai cũng có thể trở thành một shipper (người giao hàng) thực thụ. Đáng nói, sự bùng nổ của công nghệ số, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã và đang góp phần khiến cho shipper trở thành một nghề cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghề này không chỉ có mỗi một màu tươi sáng. Chi phí tiền dịch vụ cho mỗi đơn hàng khá thấp, quy định về việc giao hàng đúng giờ, nguy cơ “bùng đơn, bỏ bom, tráo hàng”… khiến cho nhiều shipper rơi vào stress vì áp lực. Chưa kể, việc di chuyển suốt ngày ngoài đường có thể xảy ra va chạm phương tiện giao thông, dẫn tới tai nạn.
Anh Phan Văn Lương, sống tại số nhà 104 tập thể C3 Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) cho biết: Anh mới làm nghề shipper được hơn 1 năm. Thông thường hiện nay giá mỗi đơn hàng trong nội thành là 20.000 đồng, ngoại thành là 40.000 -50.000 đồng. Một ngày, nếu giao được 10 đơn hàng, mỗi shipper bỏ túi khoảng 250.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, giao được xong 10 đơn hàng cũng rất vất vả, bởi không phải địa chỉ nào mình đến cũng đều giao được ngay, nhiều đơn hàng phải đi 2, 3 lần. Vì thế, có nhiều shipper phải làm việc cả buổi trưa và buổi tối.
Anh Lương cho biết thêm: Việc người bán hàng online bị khách hàng “bùng đơn, bỏ bom” diễn ra thường xuyên. Trong trường hợp này không chỉ người bán hàng thiệt hại mà shipper cũng không thể lấy được hết tiền chi phí dịch vụ. Song nguy hiểm nhất vẫn là việc shipper bị người nhận hàng hành hung, bị kẻ xấu cướp đồ, bị ngã xe gây ra các thương tích.
Anh Đặng Huy Vũ, quê Hưng Yên cho biết: Năm ngoái đồng nghiệp của anh trong một lần giao hàng cho khách tại Time City (Hà Nội) đã bị người khách hàng này dùng vợt tennis đánh vào mặt gây dập và gãy sống mũi.
Anh Vũ cũng cho hay: Vào hồi cuối tháng 12/2018, một shipper tại Hà Nội cũng bị hai đối tượng xấu lừa vào ngõ tối rồi khống chế, trói vào cột điện, cướp tiền, điện thoại, thẻ ATM. Sau đó, hai tên cướp đó còn dò được mật khẩu lưu trên điện thoại của nạn nhân, chiếm đoạt tiếp gần 10 triệu đồng trong thẻ ATM.
Trên thực tế, việc bị đánh, bị cướp, bị lợi dụng vận chuyển hàng hóa cấm, thậm chí bị gã gẫm, quẫy rối tình dục… đã xảy ở một số trường hợp các shipper, mà mới đây nhất vụ giàn dựng tình huống để khống chế, hiếp, giết nữ sinh giao gà trên địa bàn tỉnh Điện Biên gây rúng động dư luận là một minh chứng.
Những lưu ý an toàn cho shipper
Theo anh Lê Tấn Đạt, một shipper có thâm niên tại Hà Nội, để tránh những rủi ro, trong khi làm việc, mỗi sipper cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: luôn kiểm tra đơn hàng trước khi ship; gọi điện trước cho khách hàng; nhận hàng tại văn phòng hoặc nhà riêng; tìm hiểu trước về người thuê ship; ưu tiên người thuê là chủ shop hoặc khách quen. Điều này sẽ giúp shipper có thể hạn chế được các rủi ro, sự cố không mong muốn.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an khuyến cáo: Để phòng ngừa rủi ro khi hành nghề, những người làm nghề shipper cần thường xuyên cập nhật tình hình an ninh trật tự, đọc báo để biết những thủ đoạn phạm tội nào đang xảy ra trong đời sống. Từ đó có ý thức cảnh giác, nhận thức được những rủi ro nghề nghiệp có thể sẽ đối mặt và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và nghĩ cách ứng phó nếu chẳng may sự cố xảy ra.
![]() |
Shipper cần nắm vững các nguyên tắc an toàn để bảo vệ mình trong quá trình làm việc. |
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng cho rằng: Khi nhận được những đơn hàng mà khách yêu cầu vận chuyển vào thời điểm trời tối, đến những nơi xa lạ thì shipper cần thận trọng. Nếu cảm thấy không an toàn thì không nên đi, hoặc có đi thì rủ theo người khác. Trường hợp đến nơi gặp khách, nếu khách yêu cầu di chuyển tiếp đến một địa điểm khác không theo thỏa thuận ban đầu thì tuyệt đối cảnh giác, không dễ dàng làm theo yêu cầu của khách, vì đó rất có thể là một cái bẫy. Nếu cảm thấy không an toàn, kiên quyết không đi theo đối tượng. Trường hợp đã đi theo thì cần thận trọng tối đa, dừng lại ngay ở những địa điểm đông người.
Đặc biệt, trong tình huống bị đối phương dùng hung khí khống chế để gây án, nếu không có khả năng kháng cự thì tốt nhất ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của tội phạm về tài sản. Đừng manh động chống cự dễ xảy ra nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Nếu bị tấn công, tốt nhất thoát ly tài sản càng sớm càng tốt, có thể nhanh chóng rút khóa xe máy rồi ném đi. Sau đó vừa chạy vừa tri hô để kêu gọi sự giúp đỡ, tiếp ứng của người dân và lực lượng an ninh tuần tra.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
