![]() |
Tình trạng ô nhiễm rác thải đang đe dọa sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập của 3 ngôi trường: mầm non, cấp I, cấp II xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: M.K |
Phóng viên Cuộc sống an toàn có mặt tại trường Tiểu học Hồ Sơn vào sáng ngày 20/11, khi các cô trò của ngôi trường này vừa kết thúc buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Một số học sinh nán lại chơi đùa, các thầy cô giáo đang xếp hàng chụp ảnh kỷ niệm cho một ngày đặc biệt. Người bảo vệ dẫn phóng viên đi một vòng quanh trường.
Ông chỉ tay về phía 2 bãi rác cách đó chừng 200m, lắc đầu ngao ngán: "Họ đổ rác, đốt rác vô tội vạ, không có nề nếp gì cả. Thối không thể nào chịu được, gió hướng nào khổ hướng ấy. Các thầy cô dạy trên tầng 2 là vất vả nhất. Các cháu học sinh cũng kêu nhiều nhưng không thể nghỉ được, vẫn phải đến trường. Có đến hơn 700 cháu học bán trú ăn ngủ tại đây, vất vả lắm. Chúng tôi chả làm cách nào được, chỉ bức xúc".
Không chỉ riêng trường Tiểu học Hồ Sơn, mà trường mầm non và Trung học cơ sở Hồ Sơn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn ô nhiễm rác thải. Bởi cả 3 ngôi trường này được xây dựng gần nhau, giáp ranh với xã Tam Quan, nơi có bãi rác thải tự phát với lượng rác lớn từ khắp nơi đổ về.
![]() |
Rác thải thường xuyên được đổ dầu đốt, khói quyện âm ỉ kéo dài khiến các trường học ở xã Hồ Sơn bị ô nhiễm trầm trọng - Ảnh: M.K |
![]() |
Sau khi 2 bãi rác ở xã Hồ Sơn, xã Tam Quan bị người dân phong tỏa, rác lại được chở đến xả vô tội vạ ở đoạn đường góc phải trường học - Ảnh: M.K |
Cô giáo Đinh Thị Huấn nói với Cuộc sống an toàn: "Cứ buổi chiều người ta đốt, cô giáo và học sinh ngửi thấy mùi rất khó chịu. Có những hôm mùi nặng quá phải đóng hết cửa lại. Chúng tôi lo sợ ô nhiễm tích tụ lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh".
Cô Trần Thị Học, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồ Sơn chia sẻ: "Buổi chiều đứng trên tầng 2 có thể nhìn thấy khói lửa đỏ rực do người ta đốt rác. Khói quyện vào trong các phòng học mùi khét không chịu được đâu. Thậm chí đến tận ngày hôm sau cũng có mùi trong phòng. Thực sự mình là người lớn còn thấy khó thở, huống hồ là các cháu học sinh".
Mặc dù mới được phân công công tác về trường Tiểu học Hồ Sơn một năm nay nhưng cô Trần Thị Học nhận thấy sự nguy hại của bãi rác đối với sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh. Cô cũng đã gửi báo cáo bằng văn bản, phản ánh tình trạng trên đến chính quyền xã Hồ Sơn và phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tam Đảo để các cơ quan này có ý kiến lên UBND huyện nhằm giải tỏa bãi rác thải.
"Chúng tôi mong muốn chính quyền giải tỏa bãi rác ấy, trả lại môi trường trong sạch, an toàn cho nhân dân và đặc biệt là sức khỏe cho các cháu" - cô Trần Thị Học bày tỏ sau khi phóng viên hỏi về nguyện vọng của mình.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
