![]() |
Mô hình trồng rau hữu cơ an toàn trong nhà lưới của HTX đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. |
Không sử dụng phân bón hóa học để cung ứng nông sản sạch
Pác Nặm là một trong 600 huyện nghèo nhất nước. Nghèo, nên địa phương này thiếu thốn nhiều thứ, mà trước tiên là thực phẩm thiết yếu hằng ngày. Việc trồng trọt, chăn nuôi ở đây lâu nay cũng chủ yếu là tự cung, tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ, nguồn rau xanh, thịt lợn, thịt gà… cũng phải nhập thêm từ dưới xuôi lên mới đủ nhu cầu thị trường địa phương.
Nhằm khai thác lợi thế của địa phương đối với nguồn thực phẩm sạch, cuối năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ và Phát triển nông nghiệp Pác Nặm (HTX) đã được thành lập tại xã Bộc Bố với 7 thành viên sáng lập. Đây là doanh nghiệp tiên phong của huyện Pác Nặm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ, an toàn không sử dụng phân bón hóa học và theo quy mô lớn, cung cấp hàng hóa thực phẩm, nông sản sạch, an toàn cho chính nhu cầu thị trường tại chỗ.
Thời gian đầu gây dựng, HTX cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc tập trung đất theo quy mô lớn để sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ của chính những thành viên HTX. Bà Ma Thị Huyền - Giám đốc HTX chia sẻ: tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ đã gắn với người dân lâu đời, bản thân những người nông dân khi tham gia vào hợp tác xã cũng chưa định hình được làm như thế nào mới tạo ra sản phẩm hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giá trị tốt nhất cho thị trường, nên khi phải tập trung ruộng đất, góp vốn, sản xuất thực phẩm sạch theo quy trình kỹ thuật khoa học, một số thành viên HTX cũng còn e ngại, chưa thực sự đồng thuận về cách làm mới.
Tuy nhiên, vừa làm, vừa thuyết phục, sau một thời gian sản xuất, HTX đã tích tụ, tập trung được gần 20 héc ta đất sản xuất. Diện tích đất này chủ yếu do các thành viên sáng lập góp và mua thêm, thuê lại của những người dân địa phương. Trên cơ sở quỹ đất có được, HTX đã quy hoạch thành các khu sản xuất: khu trồng rau xanh trong nhà lưới, khu nuôi giống lợn địa phương, khu nuôi gà thả đồi, khu trồng cỏ và nuôi bò vỗ béo.
Hiện khu trồng rau hữu cơ, an toàn trong nhà lưới với các loại cây như: su su, xu hào, cải bắp, cà chua, bí xanh, các loại cây rau ăn củ, các loại rau ăn lá với diện tích 1,5 héc ta bước đầu đã cho kết quả khả quan. Hiện sản lượng rau, củ quả mỗi ngày thu hoạch được gần 100kg và sản phẩm từ chăn nuôi như thịt lợn, gà đạt hơn gần 3 tấn mỗi tháng.
Từ tháng 8 năm 2018, HTX đã được cấp có thẩm quyền kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra các sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn. Hiện đã có 09 trường học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn huyện ký hợp đồng mua các loại rau, củ, quả và thịt do HTX cung cấp. Ngoài ra còn có các nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện ký hợp đồng dài hạn với HTX để sử dụng các loại rau, củ quả, và thịt đảm bảo chất lượng.
Bình quân mỗi tháng HTX cung ứng cho các trường học tổ chức ăn bán trú, bếp ăn tập thể của Ủy ban nhân dân huyện và một số nhà hàng ăn uống trên địa bàn huyện hơn 2 tấn rau, củ, quả, 2 tấn thịt lợn và hơn 400 kg gà thịt, doanh thu mỗi tháng đạt hơn 650 triệu đồng, gần chục lao động thường xuyên đạt thu nhập trung bình 6 triệu đồng mỗi tháng.
Sau một thời gian mua thực phẩm sạch, an toàn của HTX để tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, ông Phùng Anh Tú - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Xuân La cho biết: chất lượng thực phẩm do HTX cung cấp khá tốt, chất lượng bữa ăn của học sinh được cải thiện, nâng lên, phụ huynh, các cơ quan chức năng khi kiểm tra bếp ăn của nhà trường đánh giá cao về nguồn thực phẩm sạch.
Hiện mỗi ngày nhà trường nhập từ HTX hơn 70 kg rau, củ quả, gần 80 kg thịt lợn, thịt gà và nhà trường đã quyết định ký hợp đồng dài hạn với Hợp tác xã Dịch vụ và Phát triển nông nghiệp Pác Nặm để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm theo nhu cầu của nhà trường, phục vụ việc tổ chức nấu ăn cho các em học sinh bán trú tại trường. Giá cả các loại thực phẩm của HTX cũng thấp hơn sản phẩm cùng loại của các tư thương mang từ dưới xuôi lên.
Tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường
Ông Ma Thế Toán – thành viên sáng lập HTX cho biết: vừa qua UBND huyện Pác Nặm đã tổ chức đối thoại, gặp gỡ với HTX và các Công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để cùng hợp tác khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Đây là cơ hội cho Hợp tác xã phát triển.
Qua buổi đối thoại, UBND huyện Pác Nặm đã cam kết hỗ trợ HTX trong xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch, an toàn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn và các thủ tục về chuyển đổi, mua bán tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất.
Bà Ma Thị Huyền - Giám đốc HTX chia sẻ thêm: Năm 2019, ngoài tập trung phát triển khu trồng rau hữu cơ an toàn, thì HTX mở rộng đầu tư chăn nuôi lợn, gà, đặc biệt là liên kết với các hộ nông dân địa phương mở rộng thêm vùng trồng cỏ, trồng ngô tạo nguồn thức ăn để phát triển thêm đàn bò theo hướng nuôi bò vỗ béo cung cấp cho nhu cầu thị trường.
HTX mong muốn các cấp, ngành của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ, làm đầu mối giới thiệu cho HTX các nhà khoa học về lĩnh vực sản xuất rau hữu cơ, thực phẩm sạch, kinh nghiệm makettinh, đặc biệt là vấn đề liên kết thị trường tiêu thụ trong và ngoài địa phương để các sản phẩm của HTX làm ra được tiêu thụ, giải quyết việc làm ổn định cho NLĐ địa phương.
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
