![]() |
Gương mặt thiên thần của hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi trước khi thực hiện ca mổ. Những người theo dõi đã đi từ hồi hộp, lo âu đến vỡ òa trong niềm hạnh phúc với sự khâm phục, tự hào sau khi ca mổ thành công. Ảnh vnexpress.net. |
Thông tin được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội công nhân hai ngày qua là sự kiện ca mổ thành công tách cặp song sinh hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi. Nhiều người mô tả cảm giác “nín thở” chờ đợi và cầu nguyện cho ca mổ diễn ra thuận lợi. Được biết thông tin từ trước cùng với công nghệ truyền dẫn trực tiếp, biết bao người đã lo âu, hồi hộp rồi vỡ òa vui sướng khi hai cháu được tách khỏi nhau, bắt đầu cuộc sống riêng, độc lập.
“Thương hai con quá, hai thiên thần nhỏ bé”; “Cố lên các con ơi, điều tốt đẹp đang chờ các con phía trước”; “Bác sĩ Việt Nam giỏi quá. Không thể tưởng tượng được”; “Tự hào quá Việt Nam ơi”… Những dòng comment tràn đầy cảm xúc chia vui với hai cháu bé, cha mẹ hai cháu, đội ngũ y bác sĩ thực hiện ca mổ và cả nền y học; sáng ngời lương tâm, tình yêu thương của người Việt.
![]() |
Một số y bác sĩ thực hiện ca mổ tách hai cháu Trúc Nhi, Diệu Nhi. Ảnh vietnamnet.vn |
Hiếm có sự kiện nào thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận với sự đồng thuận, chờ mong điều tốt đẹp một cách tuyệt đối như thế. Hai sinh linh bé bỏng vốn chịu thiệt thòi ngay từ lúc chưa chào đời, khi người mẹ siêu âm phát hiện các cháu dính nhau ở tuần thứ 16. Sự dũng cảm của cha mẹ các cháu, sự quyết tâm của cả ngành Y tế, đội ngũ y bác sĩ đầu ngành của các bệnh viện lớn ở thành phố mang tên Bác đã trả lại cho các cháu quyền được sống, được làm người bình thường. Nói như tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh: “Các y bác sĩ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh hai con một lần nữa với hình hài nguyên vẹn, trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao đứa trẻ khác”.
Từ sự kiện mổ tách ca song sinh hai anh em Việt - Đức 32 năm trước, trình độ y học nước nhà đã tiến một bước dài. Nói như giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, cố vấn cho ca mổ hai cháu Trúc Nhi, Diệu Nhi và là người chủ trì ca mổ hai em Việt - Đức trước đây: “Ca mổ sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành Y tế Việt Nam”.
![]() |
Hình ảnh ca mổ tách hai em Việt - Đức 32 năm trước. Gần 1/3 thế kỷ trôi qua, nền y học nước ta lại tiếp tục ghi thêm một cột mốc sáng chói. Ảnh kenh14.vn |
Mới mấy hôm trước, công dân - phi công người Anh mắc Covid-19 đã được đội ngũ y bác sĩ nước ta trả lại sự sống từ một người mắc bệnh nặng nhất, có lúc phổi gần như đông đặc, chức năng chỉ còn 10%; phương án ghép phổi đã được tính đến… vậy mà, thật kỳ diệu, viên phi công người Anh đã được chữa khỏi hoàn toàn, được đưa về quê nhà nước Anh trong sự thán phục của cộng đồng quốc tế. Tôi tin, phi công người Anh hoàn toàn chân thành và không quá lời khi nói rằng ông ta đã có thể chết ở bất kỳ nơi nào khác, trừ Việt Nam.
Cảm động nữa là tình cảm, tấm lòng của công nhân, lao động cả nước hướng về ca mổ. Những người đã mất việc, có thể sẽ mất việc, nghỉ việc luân phiên, đời sống đang vô cùng khó khăn. Nhiều người hoàn cảnh cũng rất éo le, vợ yếu con đau, thân sinh bệnh nặng… nhưng tất cả đã gác qua một bên, phút chốc quên đi khó khăn vất vả của mình để “nín thở” theo dõi ca mổ rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc, coi đó như chính niềm hạnh phúc của gia đình mình.
Tôi nghĩ, tấm lòng, tình cảm ấy sẽ giúp họ đùm bọc lẫn nhau, sát cánh cùng nhau, tiếp cho nhau sức mạnh vượt qua khó khăn. Và đó là một thông điệp tích cực vô cùng ý nghĩa khác của sự kiện này.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
