![]() |
Cán bộ y tế khám sàng lọc cho người dân và trẻ em ở huyện M' Đrắk, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Tiền phong |
Thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 30 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Trong đó, đã có 2 ca tử vong tại thôn 6, xã Quảng Hòa và cụm 12, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’long.
Gia Lai có 20 trường hợp và Kon Tum có 26 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Và trong ngày 14/7, Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 ca bệnh bạch hầu, đưa tổng số ca dương tính với bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên lên 80 trường hợp.
Ca bệnh mới nhất được ghi nhận là cháu Y.K.K. (SN 2016), vừa được Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar phát hiện vào hôm nay (14/7). Ngành Y tế xác định, bệnh của cháu Y.K.K. khởi phát ngày 10/7 với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, đau họng và được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư điều trị thuốc nhưng bệnh không đỡ. Sau đó, người nhà tiếp tục đưa cháu vào Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar để chữa trị. Kết quả xét nghiệm (ngày 13/7) tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhi K. dương tính với bệnh bạch hầu.
Hiện ngành Y tế đang điều trị cho 24 trường hợp. Trong đó, có 5 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; 13 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông; 5 trường hợp tại Trung tâm Y tế huyện Krông Nô; 1 trường hợp điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar.
![]() |
Người dân tại các ổ dịch được cấp phát thuốc uống dự phòng phòng chống dịch bạch hầu - Ảnh: Đông Nguyên |
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã phân tích, điều tra dịch tễ và phát hiện trong số 80 ca dương tính với bệnh bạch hầu nói trên, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng.
Trước tình hình phức tạp nói trên, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã có công văn hướng dẫn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum triển khai tiêm vaccine chống dịch bệnh bạch hầu.
Theo đó, đối với trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, rà soát triệt để các trường hợp sốt, thiếu mũi để tiêm vaccine DPT-VGB-Hib nhằm đảm bảo đủ 3 mũi vaccine có thành phần bạch hầu theo đúng quy định của tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trẻ từ 13 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi, tiến hành tiêm ngay 1 mũi vaccine DPT-VGB-Hib.
Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi, tiến hành tiêm bổ sung bằng vaccine DPT cho trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi vaccine có thành phần bạch hầu như quy định.
Nhóm trẻ 7 tuổi tiến hành tiêm 2 mũi vaccine Td ngay trong tháng 7 hoặc tháng 8. Đối với trẻ từ 49 tháng trở lên và người lớn, tiêm 2 mũi vaccine Td (tiêm cách nhau 1 tháng).
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cũng chỉ đạo triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho độ tuổi từ 49 tháng tuổi trở lên (không giới hạn độ tuổi) tại tất cả các xã của 12 huyện, thị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có ghi nhận có ca bệnh bạch hầu từ năm 2019 trở lại đây. Đối với các xã còn lại, sẽ tiến hành tiêm như các xã có ca bệnh ngay khi có nguồn vaccine cung ứng…
![]() |
Tiến hành phun hóa chất khử khuẩn khu vực có ca nhiễm bệnh - Ảnh: VOV |
Theo TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, giải pháp bền vững và an toàn nhất, là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong triển khai tiêm chủng, để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, cần tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở nâng cao nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh ổ dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
