Đường nào cũng thiệt!
Ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này, nhiều ruộng lúa Thu - Đông mới gieo sạ được 1 tháng đã có thương lái đến đặt cọc thu mua lúa. Ông Nguyễn Văn Thanh Trang (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Gia đình trồng 1 héc ta lúa OM18. Cách đây nửa tháng, thương lái tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa với giá 6.800đ/kg. Thấy mức giá này đã có lời nên ông Trang đồng ý. Nào ngờ ít ngày sau giá lúa đã tăng hơn 7.000đ/kg.
“Giá lúa tăng mình mừng lắm, nhưng đã lỡ nhận cọc rồi nên đành chịu. Nhận cọc giá nào thì bán giá đó. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn phải chờ tới khi lúa chín, lúc đó sẽ xem thị trường biến động thế nào, giá cả ra sao rồi hai bên thương lượng lại”, ông Trang nói.
Gần cánh đồng của ông Trang là ruộng lúa của anh Nguyễn Văn Út. Anh kể, ở vùng này, hộ nào cũng trồng lúa tự do, không có bao tiêu với doanh nghiệp, nên khi thu hoạch đều bán cho thương lái. Ngoài họ ra, không có ai thu mua lúa ở đây hết.
![]() |
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Tr.L. |
“Mấy bữa nay, giá lúa tăng cao, nên thương lái tìm đến tận ruộng đặt cọc rất sớm. Nông dân nhận tiền rồi thỏa thuận bằng miệng, không có giao kèo hay hợp đồng gì hết. Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch, thương lái nói giá bao nhiêu thì nông dân chịu bấy nhiêu, không mặc cả được. Điều trớ trêu là nếu giá lúa có tăng lên thì tui vẫn phải bán với giá cọc. Còn nếu giá không tăng, mà giảm xuống 5.000đ/kg chẳng hạn, thì tui cũng phải bán với giá đó luôn. Đường nào nông dân cũng thiệt”.
Theo ghi nhận của PV, sức hấp dẫn từ thị trường xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp và thương lái đẩy mạnh thu lúa gạo tại vùng ĐBSCL. Hình thức phổ biến nhiều năm qua là nông dân bán lúa cho thương lái thông qua nhận tiền cọc. Việc này phần lớn là nói miệng, một số ít trường hợp viết giấy tay, không có hợp đồng hay một giao kèo ràng buộc nào giữa các bên. Thế nên khi có sự cố xảy ra, nông dân là người chịu thiệt đủ đường.
![]() |
Thu mua lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Tr.L. |
Ông Võ Tấn Phong (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho hay: “Đã rất nhiều trường hợp xảy ra khi thương lái đặt cọc mua lúa, nhưng khi giá xuống thấp, họ đến gặp nông dân “bẻ kèo”, yêu cầu mua với giá thấp hơn. Lúa một phần chín rục ngoài đồng, một phần cắt xong, không có chỗ trữ, nông dân buộc lòng bán tháo. Chưa hết, có những vụ lúa bị tắc đầu ra, giá sụt thê thảm, thương lái bỏ luôn tiền cọc, còn nông dân chỉ biết khóc ròng vì không nơi nào tiêu thụ”.
Phải liên kết chặt chẽ
Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Cần Thơ cho thấy, người nông dân ĐBSCL thường hay than phiền về tình trạng thường xuyên bị các doanh nghiệp “chơi ép”. Doanh nghiệp không chịu mua theo giá thị trường làm nông dân thua lỗ, nhất là hay kiếm cớ chèn ép nông dân nhiều mặt mỗi khi đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không chịu chi trả các chi phí phát sinh, đặc biệt là không chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với nông dân.
![]() |
Bán lúa non cho thương lái, nông dân thường chịu thiệt đủ đường. Ảnh: Tr.L. |
Còn đối với doanh nghiệp, họ luôn đau đầu trước tình trạng nông dân hay “bẻ kèo”, chạy theo lợi nhuận, không giữ đúng thỏa thuận ban đầu (khi giá lên thì không chịu bán như mức giá đã ký trong hợp đồng).
Những bất cập trên đã làm cho nông dân và doanh nghiệp không còn tin tưởng lẫn nhau. Nông dân ít chịu hợp tác với doanh nghiệp và ngược lại, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trong quá trình sản xuất. Nghiêm trọng hơn là tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu nông sản giữa đôi bên diễn ra ngày càng nhiều.
Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là người nông dân luôn trong thế bị động, khả năng thương lượng, đàm phán trong giao dịch, làm ăn còn nhiều hạn chế. Quan hệ mua bán chủ yếu là sự tin cậy (hợp đồng bằng miệng), chưa có sự cam kết chặt chẽ. Các hợp đồng mua bán thường chỉ mang tính đối phó.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL cho rằng: “Thương lái hay nông dân đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, việc liên kết giữa các mắt xích này lại vô cùng lỏng lẻo, thiếu liên kết.
Hiện nay, cả nước có khoảng 180 thương nhân xuất khẩu gạo (tổ chức có pháp nhân xuất khẩu) thì chỉ có khoảng 30 thương nhân có vùng nguyên liệu trồng lúa, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Khi thị trường có biến động xảy ra, họ không sợ vì có thể chủ động vùng nguyên liệu, cùng với hệ thống kho trữ logistics…
Tuy nhiên, những doanh nghiệp còn lại thì khác, họ phải đi gom hàng từ thương lái, phải chịu thêm chi phí cho khâu trung gian. Thế mới mới có chuyện vì sao giá lúa tăng, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn than lỗ. Rồi đã có hàng loạt chuyện thương lái chơi ép, nông dân thì bẻ kèo, dẫn đến mất lòng tin lẫn nhau.
Ông Hiệp lấy ví dụ, khi giá xăng dầu biến động, nhiều cửa hàng bán không đúng giá niêm yết đã bị xử lý. Vậy nên chăng, ngành hàng lúa gạo cần được quản lý chặt chẽ về mặt giá cả, không thể để thương lái muốn mua giá nào thì mua, còn nông dân muốn bán giá nào thì bán.
Để giải quyết thực trạng trên, theo ông Hiệp, về lâu dài các doanh nghiệp và nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ, thông qua việc ký kết hợp đồng mua bán rõ ràng. Đối với nông dân, họ sẽ được kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định, được cung cấp vật tư và kỹ thuật, từ đó nâng cao tính thương mại hóa cho người sản xuất, đặc biệt cho người sản xuất nhỏ. Về phía doanh nghiệp, họ có thể chủ động nguyên liệu, chủ động trong nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành (quản lý chi phí, nâng cao công nghệ, chất lượng lao động)...
![]() Tại sao các nước xuất khẩu gạo lại không thể thành lập một nhóm tương tự như OPEC để điều tiết giá gạo? |
![]() Theo phản ảnh của các thương nhân, gạo đang chào giá cao nhưng vẫn rất khó mua nên giao dịch trầm lắng, dẫn đến cảnh ... |
![]() Hỗ trợ 10.000 nông hộ nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm chi phí, tăng 17% thu nhập là mục tiêu của dự ... |
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
