Tết là thời điểm chớm Xuân, là thời điểm kết thúc một chu kỳ Xuân – Hạ - Thu – Đông để bước vào một chu kỳ mới, nên nó luôn luôn là thời điểm được gửi gắm nhiều ước vọng nhất.
Mùa Xuân đến, Tết đã gõ cửa mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần khi Tết đến, mỗi nhà đều trang trí cho gia đình mình thật đẹp, nhà nào cũng sắm sửa, hoa đào, hoa mai, cây quất…Trên bàn thờ xuất hiện mâm ngũ quả với đủ loại xanh, đỏ, vàng… rồi bánh kẹo, mứt Tết, rượu vang, rượu sâm banh…Trước cửa cổng mỗi nhà đều treo lá cờ đỏ sao vàng thể hiện cho việc thái bình, thịnh trị. Trên những con đường xuất hiện những câu đối băng rôn khẩu hiệu vô cùng vui vẻ, đẹp mắt….
![]() |
Tết thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Ảnh: IT |
Cứ từ 20 tháng Chạp, trên tất cả các đường phố của Tổ quốc đều ngập tràn sắc xuân. Sắc xuân từ hoa đào, hoa mai, từ những những câu đối đỏ, từ những hàng quán bày bán những đồ trang trí ngày Tết. Mọi người nô nức xuống phố với những chiếc quần áo sặc sỡ, ấm áp, miệng nói cười rôm rả. Con phố trở nên đông đúc và vui vẻ hơn mọi ngày. Nhiều cửa hàng bày bán bánh kẹo, hoa quả, những cây đào, cây quất bỗng nhiên chật chội, kín cả lối đi. Lúc đấy, con phố chẳng khác nào một bức tranh đầy màu sắc sặc sỡ, nó khoác trên mình cả không gian và thời gian của năm cũ.
Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay gọi ngắn gọn là Tết) - Tết lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Tết bắt đầu vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch. Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.
Giờ khắc linh thiêng nhất của tết Nguyên đán có lẽ là giao thừa đêm ba mươi, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời khắc của sự giao hòa đất trời, thời khắc mà mọi người sum họp quây quần và chuẩn bị cho bữa cơm tất niên đón mừng năm mới. Vậy đấy, Tết chính là không khí cả gia đình quây quần bên bàn ăn. Sự đoàn viên trong không khí ấy chính là Tết.
![]() |
Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết). Ảnh minh hoạ: IT |
Đâu đó trong cuộc sống hằng ngày mọi người vẫn nói với nhau rằng: “Tết giờ có gì vui đâu, Tết cũng như ngày bình thường thôi mà”. Vẫn biết rằng, xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Hay đơn giản hơn là chính chúng ta đã luôn chạy theo những bận rộn và lo âu của cuộc sống, nên đột ngột lại quên đi âm thanh sống động, ấm áp và những giá trị tinh thần mà ngày Tết mang lại.
Có thể nói Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.
Tết thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Tết là sự chuyển giao năm cũ và năm mới với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay. Bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
