![]() |
Lực lượng Quản lý thị trường làm việc với người quản lý sản xuất khẩu trang của Công ty Quốc Bảo ngày 4/3/2020 |
Phát hiện hành vi gian dối của doanh nghiệp
Như đã thông tin, dựa trên phản ánh của phóng viên Cuộc sống an toàn về việc nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để bán ra thị trường khẩu trang giả, nhái kém chất lượng, ngày 4/3/2020, Tổ công tác 304 của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh; Đội Quản lý thị trường huyện Gia Bình và Vụ Trang thiết bị y tế, đã tiến hành làm việc với Công ty TNHH SX & TM thiết bị Quốc Bảo (trụ sở tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra xưởng sản xuất, cùng với ghi nhận của phóng viên Cuộc sống an toàn, các dây chuyền của Công ty Quốc Bảo đang tiến hành sản xuất khẩu trang 3 lớp; 4 lớp có hình thức giống hệt khẩu trang y tế mà không có phòng hấp sấy tiệt trùng. Chất liệu sản xuất khẩu trang chỉ là loại vải không dệt, không có tác dụng kháng khuẩn như thông tin quảng cáo trên vỏ hộp. Nhà xưởng chật hẹp, tạm bợ, thiếu an toàn vệ sinh, nằm ngay phía sau căn nhà - nơi đăng ký trụ sở công ty. Nguyên liệu và sản phẩm được xếp đống dưới sàn nhà. Nhân viên sản xuất không có dụng cụ bảo hộ theo quy định. Nơi xếp đếm, đóng hộp sản phẩm là sàn gác xép ẩm thấp, bụi bặm tại xưởng sản xuất và sàn nhà của một hộ gia đình đối diện trụ sở Công ty Quốc Bảo.
![]() |
Một góc tại nơi đóng gói khẩu trang kháng khuẩn |
Ngay tại xưởng, người quản lý sản xuất của Công ty Quốc Bảo là ông Trần Tuấn Anh (SN 1981) cũng thừa nhận với cơ quan chức năng và phóng viên Cuộc sống an toàn rằng toàn bộ khẩu trang đang sản xuất và đã đóng hộp không phải khẩu trang kháng khuẩn, không phải khẩu trang y tế. Trong khi đó, trên vỏ hộp đựng khẩu trang thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường lại ghi rõ “khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, lọc trên 99% vi khuẩn và bụi bẩn, dùng trong y tế, đã tiệt trùng…”.
Như vậy, Công ty Quốc Bảo đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy định công bố chất lượng sản phẩm; ghi nhãn hàng hoá không đúng với chất lượng thực tế của sản phẩm và điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh, cố tình lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi về kinh tế. Hoạt động sản xuất và thương mại của họ có thể gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường.
Những “pha xử lý” cồng kềnh của cơ quan hữu trách
Chiều 4/3, ngay khi tận mắt chứng kiến những chiếc khẩu trang của Công ty Quốc Bảo đang được sản xuất và đóng hộp, rồi tự tay xé một chiếc khẩu trang lấy ngẫu nhiên từ dây chuyền sản xuất để kiểm tra, ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường cương quyết nói: “Nhìn như thế này rất giống khẩu trang y tế. Như thế thì người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Có dấu hiệu gian lận thương mại, nhập nhèm không đúng... Tôi đề nghị và yêu cầu kiến nghị chủ doanh nghiệp tạm dừng không được lưu thông ra thị trường, và yêu cầu huỷ toàn bộ nhãn mác này. Và có dấu hiệu vi phạm như thế này thì phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, việc lập biên bản không nhận được sự nhất trí của đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh. Sau nhiều giờ trì hoãn, việc lập biên bản mới được thực hiện, kết thúc vào 16h20 ngày 4/3. Được biết, ngày 6/3 Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh) ra quyết định xử phạt Công ty TNHH TM & SX thiết bị Quốc Bảo về hành vi kinh doanh hàng hoá trên nhãn có chữ viết không đúng sự thật, với số tiền nộp phạt 17.500.000 đồng.
![]() |
Điều mà chúng tôi muốn dặt câu hỏi là: Tại sao tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số khẩu trang đã đóng hộp để chuẩn bị bán ra thị trường lại không được lực lượng quản lý thị trường kiểm đếm, niêm phong và thu giữ? Bởi có thể khi lực lượng chức năng lập biên bản và rời đi, hàng trăm nghìn khẩu trang “đội lốt” kháng khuẩn ấy sẽ lại được bán ra ngoài cho người dân.
Hiện tại, số ca nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã lên tới con số 21, nhiều khu vực bị phong toả, nhiều cá nhân bị cách ly, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Khẩu trang vẫn là một dụng cụ hữu hiệu được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thật khó có thể hình dung mức độ nguy hiểm của những chiếc “khẩu trang kháng khuẩn” mà không có tác dụng kháng khuẩn này khi nó được người dân và các y bác sĩ sử dụng trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Theo lời người quản lý sản xuất của Công ty Quốc Bảo, mỗi ngày cơ sở này sản xuất 250.000 chiếc khẩu trang. Điều đáng nói, ngoài công ty này, tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang có tới hàng chục cơ sở sản xuất khẩu trang hoạt động suốt ngày đêm để cung cấp ra thị trường. Các cơ sở này luôn đóng kín cửa, hoạt động xuất hàng diễn ra vào ban đêm, ở nhiều địa điểm khác nhau. Thiết nghĩ, cần có một cuộc kiểm tra tổng thể, quyết liệt đối với từng cơ sở.
Ngày 7/3, qua điện thoại, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ với phóng viên Cuộc sống an toàn như sau: “Tôi đã nắm được tình hình và gọi cho ông Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh ra Tổng cục để báo cáo. Ông ấy hứa là ngày mai (tức 8/3) sẽ báo cáo cụ thể để tôi xem lại một lần nữa, đối chiếu với báo cáo của ông Trần Hùng. Nếu không thì thứ Hai (tức 9/3) tôi cho đơn vị nghiệp vụ xuống tận nơi kiên quyết xử lý, lúc ấy chẳng cần đến Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh”.
Đã 4 ngày trôi qua kể từ khi diễn ra cuộc kiểm tra nói trên tại “thủ phủ” khẩu trang Xuân Lai, và câu hỏi đặt ra là cơ quan hữu trách có nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc trên để hành động? Và, tại sao lại phải chờ đến thứ Hai, mà không phải là ngay lập tức?
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
