![]() |
Công ty TNHH MTV LSC Media đã không còn hoạt động tại trụ sở số 35 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Ý Yên |
Trong bài viết “Vỡ mộng sàn chứng khoán quốc tế: Ngang nhiên môi giới dù không được cấp phép”, chúng tôi có phản ánh về hoạt động bất hợp pháp của Công ty TNHH MTV LSC Media (thuê trụ sở tại tầng 5, số 35 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo đó, Công ty này giới thiệu là đối tác, đóng vai trò tìm kiếm, môi giới khách hàng cho cái gọi là Sàn chứng khoán quốc tế Scope Markets. Trên website: lscvietnam.com cũng giới thiệu đây là đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ khách hàng đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế (CFD - Contract For Difference) để tìm kiếm, mở rộng thị phần, thị trường là khách hàng Việt Nam.
![]() |
Văn phòng của Công ty TNHH MTV LSC Media, tháng 12/2021 - Ảnh: Sỹ Công |
Công ty TNHH MTV LSC Media thường xuyên đăng bài tuyển dụng vị trí nhân viên kinh doanh trên mạng xã hội. Ứng viên chỉ cần nộp hồ sơ, ghi rõ thông tin cá nhân như tên, tuổi, quê quán, số điện thoại mà không kèm theo bằng cấp hay các loại chứng chỉ nghiệp vụ về lĩnh vực chứng khoán. Một nhân viên của Công ty TNHH MTV LSC Media tên là My cũng khẳng định với phóng viên: “Nhân viên bên em không có chứng chỉ (môi giới chứng khoán - PV). Điều này là đúng 100%”.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: “Không cấp phép hoạt động môi giới trong thị trường chứng khoán phái sinh cho Công ty TNHH MTV LSC Media”. Đồng thời cho biết thủ đoạn của công ty này là gắn mác sàn chứng khoán phái sinh, hoạt động bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Bằng thủ đoạn trên, Công ty TNHH MTV LSC Media vẫn ráo riết tuyển nhân sự, lén lút hoạt động và “lùa gà” trong một khoảng thời gian.
![]() |
Công ty TNHH MTV LSC Media hoạt động môi giới chứng khoán quốc tế dù không được cấp phép. Ảnh: Sỹ Công |
Trước Tết Nguyên đán 2022, văn phòng làm việc của Công ty này (tầng 5, số 35 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn luôn sôi động bởi những cuộc điện thoại mời chào, dụ dỗ nhà đầu tư của khoảng 20 “chuyên gia”. Thế nhưng sau kỳ nghỉ Tết, Công ty trả lại mặt bằng, vận chuyển đồ đạc và âm thầm chuyển đi.
“Tôi không rõ họ hoạt động về lĩnh vực gì. Họ ký hợp đồng thuê 6 tháng nhưng chưa hết thời gian đã chuyển đi”, đại diện Ban Quản lý tòa nhà 35 Tô Vĩnh Diện cho hay.
Ghi nhận của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, địa điểm này hiện vẫn là mặt sàn trống, không có đồ đạc. Không còn dấu vết nào cho thấy nơi đây từng là văn phòng của một sàn môi giới chứng khoán, nơi khiến hàng ngàn nhà đầu tư đủ mọi thành phần, lứa tuổi “mắc bẫy”, "tán gia bại sản", vướng vào vòng xoáy nợ nần.
![]() |
Nạn nhân của cái gọi là sàn chứng khoán quốc tế tập trung đề nghị các cơ quan vào cuộc - Ảnh: N.V.H |
“Sàn chứng khoán quốc tế”, “Sàn chứng khoán phái sinh quốc tế”... là những từ khóa không còn xa lạ ở Việt Nam trong thời gian qua. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hàng loạt cái gọi là sàn đầu tư chứng khoán quốc tế có dấu hiệu lừa đảo đã bị “sập” theo nhiều cách khác nhau.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo về việc nhà đầu tư tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh trên các sàn giao dịch chứng khoán hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức, vận hành. Cơ quan này khẳng định, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con (gồm Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM), không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
![]() |
Các nạn nhân căng băng rôn kêu cứu trên một con phố ở Hà Nội - Ảnh: N.V.H |
Thế nhưng, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các tổ chức tự xưng là sàn chứng khoán quốc tế vẫn lén lút hoạt động. Nhiều nhà đầu tư cho biết, các sàn giao dịch này thực chất là dạng chơi Forex - thị trường ngoại hối quốc tế. Thời gian đầu, chúng thường để người chơi thắng, nạp thêm tiền, sau đó sẽ tư vấn để “đi lệnh” lớn, mất hết tiền trong tài khoản. Thậm chí, các nhà đầu tư còn phản ánh rằng bộ phận kỹ thuật của sàn còn có thể can thiệp vào tài khoản của họ, tự đặt lệnh mua – bán hoặc thậm chí "đánh cháy" tài khoản.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Công an phường, quận đã đến đây hỏi rất nhiều nhưng chúng tôi không cấp phép, không quản lý các sàn (giao dịch chứng khoán quốc tế - PV) này. Luật Việt Nam chưa cấp phép, họ tự dựng lên, bản chất là lừa đảo, vi phạm pháp luật. Chúng tôi mong Tạp chí Lao động và Công đoàn phản ánh, cung cấp thông tin tới dư luận, trong đó có công nhân lao động để họ tránh gặp rủi ro”.
![]() Mặc dù giới thiệu là đơn vị hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực môi giới chứng khoán nhưng trên thực tế Công ty TNHH ... |
![]() Nghe theo lời mời chào ngon ngọt từ các “chuyên gia đọc lệnh”, nhiều người nạp tiền đầu tư vào cái gọi là Sàn chứng ... |
Tin mới hơn

Người lao động điêu đứng vì vay tín chấp cho bệnh viện

Trung tâm chờ chỉ đạo từ Sở Y tế, Sở thì chờ báo cáo của Trung tâm

Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chưa xử lý đơn xin đi làm trở lại của bác sĩ Lê Khắc Thu
Tin tức khác

Vụ Phòng khám Timec nợ lương: Người lao động kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi

Vụ tranh chấp lao động tại Công ty Outcubator Việt Nam: Thỏa thuận bất thành vì sao?

Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn

Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam

Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
