Kinh tế - Xã hội

Tháng Bảy đong đầy…

XUÂN DŨNG
Tác giả: XUÂN DŨNG
Tháng Bảy năm nay có nhiều ngày đáng nhớ: Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị (13/7/1972- 13/7/2022), 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022) và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022), ngay sau ngày tưởng nhớ thương binh, liệt sĩ.
Tháng Bảy đong đầy…
Các đoàn cựu chiến binh trên khắp cả nước đổ về Thành cổ Quảng Trị để dâng hoa, dâng hương nhân Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị (13/7/1972-13/7/2022) và 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Ảnh: TRƯỜNG SƠN.

Những tìm tòi, suy nghiệm

Từ xa xưa, nước Việt luôn phải gồng mình để chống lại nhiều đại quân xâm lược, phải đổ rất nhiều xương máu, công sức để giữ gìn bờ cõi và dựng xây đất nước. Nhưng thật lạ lùng là chỉ ở Quảng Trị mới có hai câu ca dao riêng biệt, thật sự thấm thía nỗi đau chinh chiến: "Mạ thương con ra ngồi cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu".

Trong kháng chiến chống Pháp, chính nhà báo, nhà sử học người Pháp Béc-na Phôn đã gọi quốc lộ 1A từ Quảng Trị vào Huế là "Con đường không vui", về sau trong kháng chiến chống Mỹ, đối phương có người cũng định danh đoạn đường này là "Đại lộ kinh hoàng". Sau khi giặc Pháp về làng Mai Xá, xã Gio Mai tàn sát du kích, dã man chặt đầu thị uy thì nhạc sĩ Phạm Duy đã có ngay tượng đài âm nhạc bi tráng: "Bà mẹ Gio Linh", như một khúc tưởng niệm bi thiết và thành kính bằng âm thanh trước những nghĩa sỹ hy sinh lẫm liệt vị quốc vong thân. Còn nhà văn Chu Lai, một cựu đặc công thời kháng Mỹ về sau trở thành cây bút sáng tác chuyên nghiệp đã nói với cố nhà văn Xuân Đức rằng, Quảng Trị là "Xứ sở trận mạc".

Và ngay cả nhà thơ Thu Bồn quê Quảng Nam khi có dịp về Quảng Trị sau ngày thống nhất thì ông không làm thơ mà bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết khá hoành tráng trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc, đó là hai tập "Dưới đám mây màu cánh vạc" mà nhân vật chính là nguyên mẫu anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm quê ở làng Mỹ Thủy, Hải An, Hải Lăng. Cuốn truyện lúc mới xuất bản đã được dư luận chú ý và được dịch sang tiếng Nga cho độc giả Xô Viết... Thiết nghĩ gom lại những thông tin trên thì dường như đó không phải là một sự ngẫu nhiên tình cờ rồi gặp nhau ở một sự đồng điệu đã trở thành tâm điểm cảm xúc khi nghĩ về Quảng Trị, như vận vào mảnh đất đã phải trải qua vô vàn đau thương, mất mát.

Lịch sử thường có những khúc quanh bất ngờ, những lối rẽ ngoạn mục và để ngỏ những tìm tòi, suy nghiệm nhân tình nếu hậu thế chẳng dửng dưng trước những sự kiện, nhân vật đã thành quá vãng. Chẳng hạn ở Quảng Trị, Sài Gòn trước đây và sau này là thành phố Hồ Chí Minh thì thông tin một con người, hai tên đường gây nhiều ngạc nhiên thú vị: Bí thư Quảng Trị Hồ Xuân Lưu và Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Trần Quốc Thảo chỉ là một người mà tên thật là Hồ Xuân Lưu. Nhưng chưa hết, đồng chí Hồ Xuân Lưu có thời gian là Phó Tổng thư ký Công đoàn Việt Nam, chủ nhiệm Báo Lao Động, cơ quan của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Hồ Xuân Lưu là em ruột của nhà cách mạng Hồ Chơn Nhơn quê gốc Triệu Phong, định cư Cam Lộ. Nhà cách mạng Hồ Chơn Nhơn bị giặc Pháp giam cầm ở nhà đày Buôn Ma Thuộc và hy sinh tại đó năm 1937. Hai mươi năm sau, nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu cũng hy sinh tại Sài Gòn, cả hai người đều tận hiến đời mình cho Tổ quốc và Nhân dân.

Tháng Bảy đong đầy…
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các cán bộ đang làm nhiệm vụ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và trao phần quà cho Ban Quản lý nghĩa trang. Ảnh: Trường Sơn.

Để có được một nước non toàn vẹn

Có nhiều bài thơ, bài hát viết về những nỗi đau thương, mất mát gắn liền với Quảng Trị xúc động lòng người. Riêng với tôi, có lẽ bài thơ "Khát vọng Trường Sơn" của nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý đạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1996 là một tác phẩm độc đáo. Ý tưởng xuyên suốt bài thơ là mười ngàn liệt sĩ Nghĩa trang Trường Sơn được thể hiện một cách đắc địa và ấn tượng.

Nhưng sự hy sinh và cả nỗi đau, cả niềm ngưỡng vọng không chỉ là ngần ấy, dù bản thân những điều vừa nói cũng đủ cho một tượng đài bất hủ. Để có được một nước non toàn vẹn còn vô vàn nỗi đau và khát vọng không chỉ nằm lại ở nghĩa trang:

“Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa

Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn

Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương

Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng

Mười nghìn cô quạnh lang thang cõi rừng…”

Còn bài hát "Cỏ non Thành Cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền như chạm đến sâu thẳm cõi lòng những sợi dây rung cảm tinh tế nhất và cũng nhân văn nhất, mỗi khi nhớ đến những nghĩa sĩ vị quốc vong thân. Bài hát nhẹ nhàng mà thấm thía, thảng thốt như một lời nhắc nhở sâu xa: "Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ, thắp một nén hương viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình, với người hy sinh trên mảnh đất quê mình..."

Nhưng liệt sĩ không chỉ là những người hy sinh trong chiến tranh. Tôi nhớ có lần trò chuyện với cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đức Hoan. Ông tâm sự rằng mình từng là chỉ huy trưởng công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn mà dân gian thường gọi tắt là Đập Trấm có chứng kiến những anh chị đã dũng cảm hy sinh vì công trình thủy lợi, nhưng vì nhiều lý do chưa hoặc không được công nhận là liệt sĩ vì không đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Ông tâm sự: "Hồi đó anh em từ cán bộ đến thanh niên xung phong làm các công trình thủy lợi 202, ai cũng nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không nặng về chuyện khen thưởng. Rồi công việc cứ cuốn đi, nên sau này khi làm chế độ cho những người hy sinh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì thủ tục".

Đó cũng là nỗi trăn trở của một cán bộ cao cấp cho đến cuối đời. Mới đây anh Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Quảng Trị có bày tỏ nỗi lòng của anh và cũng của bao người: "Theo tôi nên có một tấm bia tưởng niệm liệt sĩ đã hy sinh ở công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn và đặt ở nơi đây. Một tấm bia giản dị thôi nhưng là ý nghĩa để người sống hôm nay luôn nhớ về những tấm gương đã xả thân vì sự no ấm của quê nhà. Anh là nhà báo nên xem ý kiến này có thể thông tin rộng rãi để nhiều người chia sẻ". Tôi trân trọng ghi nhận một tâm nguyện chính đáng và những mong sớm được viên thành.

Tháng Bảy đong đầy…
Đoàn công tác của UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đến dâng hoa, dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN.

Và tôi cũng thiết nghĩ hết thảy những ai xả thân vì quê hương đất nước cần được chính quyền và người dân ghi tạc bằng tất cả tấm lòng, bằng những gì sâu thẳm nhất của một con người.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Dịp tháng Bảy tôi đã cùng nhà báo Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, theo chân các cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đi khảo sát để trao tiền của nhà tài trợ cho hai gia đình chính sách có thân nhân là thương binh, liệt sĩ ở Triệu Phong và Hải Lăng, ở không xa Thành Cổ Quảng Trị, mỗi địa chỉ được hỗ trợ 80 triệu đồng. Và không chỉ có thế. Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam đã trao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị hơn 1 tỷ đồng để xây dựng Nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Đạo lý "Lá lành đùm lá rách" ngày càng lan tỏa. Cách đây ít ngày, nhà giáo, tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, xúc động khi cho hay: Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công đoàn Giáo dục Quảng Trị và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị khởi công tôn tạo Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ là nhà giáo ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, và còn quá nhiều điều đáng nói và đáng nhớ trong hành trình tâm nguyện tri ân…

Tháng Bảy đong đầy…
Một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị trở về thắp hương cho đồng đội đã hi sinh, ngẫm về năm xưa. Ảnh: TRƯỜNG SƠN.

Đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã lại lên xanh ngay trên miền quê từng thắm máu đào của lớp lớp anh hùng, nghĩa sĩ đã nằm lại chốn vĩnh hằng vì khát vọng cao cả: độc lập, tự do, công bằng và hạnh phúc.

Một tháng Bảy với quá nhiều cảm xúc đong đầy.

"Lụt tháng Ba, cháy nhà tháng Bảy"

Trong ba ngày 31/3 đến ngày 2/4 gần như cả miền Trung đều có mưa to, gió lớn do ảnh hưởng không khí lạnh và ...

Đoàn công tác Tổng LĐLĐ Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sĩ Đoàn công tác Tổng LĐLĐ Việt Nam tri ân các thương binh, liệt sĩ

Trong ngày 20/7, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Phan Văn Anh làm Trưởng đoàn đã đến ...

Ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình Ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình

Hôm nay là ngày 27/7, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ và dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm ...

Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Vừa qua, Tạp chí uy tín The Asian Banker đã trao tặng giải thưởng Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam cho nền tảng VietinBank iConnect DX.
Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

Là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong ngành F&B, CEO Patricia Marques đã để lại dấu ấn qua việc xây dựng thành công một thương hiệu đồ uống lớn tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và sự am hiểu sâu sắc thị trường, bà đã đồng hành cùng Phúc Long trong giai đoạn mới, viết nên hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt một cách đầy cảm hứng.
VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của Khách hàng doanh nghiệp.

Tin tức khác

BMW 750Li 2010 "hóa thân" thành 7-Series 2025, giá hơn 800 triệu đồng

BMW 750Li 2010 "hóa thân" thành 7-Series 2025, giá hơn 800 triệu đồng

Một chiếc BMW 750Li 2010 được độ bodykit theo phong cách 7-Series 2025 (G70) đang được rao bán tại Hà Nội với giá hơn 800 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với giá gốc 4,5-6 tỷ đồng của phiên bản mới. Xe giữ ngoại thất sáng bóng, nội thất bọc da đỏ hiện đại.
Xem thêm