|
Ngỡ như lạc vào thế giới của những giai điệu guitar du dương, tôi thoát ra khỏi cảnh kẹt xe ngột ngạt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bao ồn ào của cuộc sống ngoài kia đã được thay bằng những âm thanh khi trầm bổng, lắng đọng, khi lại réo rắt của “ngón đàn guitar” từ những người thợ làm đàn. Khuôn mặt đầy chất nghệ sĩ, ông Tôn Thất Ánh (chủ tiệm đàn Duy Ngọc) niềm nở đón khách bằng nụ cười thân thiện. Trong cửa tiệm khá chật hẹp, mùi gỗ, sơn và keo hòa quyện, tạo thành một thứ hương đặc trưng mà ai yêu đàn cũng dễ dàng nhận ra. Ông Ánh ngồi cặm cụi bào từng miếng gỗ, đôi mắt sáng lên như thể đang trò chuyện với chất liệu vô tri. “Âm nhạc mang tính kết nối con người không biên giới. Nó giúp chúng ta giải bày những điều không thể nói hết hoặc nếu muốn diễn đạt đầy đủ thì rất dài dòng?! Khi tiếng đàn, dòng nhạc vang lên thì đó chính là nỗi niềm, tiếng lòng của người chơi đàn đang bày tỏ. Người thợ làm đàn trước tiên phải yêu đàn, hiểu được đàn và cảm được những âm thanh mà nó sẽ phát ra sau khi đã hoàn chỉnh”, ông Ánh nói. |
Ông Ánh sinh năm 1968 thuộc dòng dõi Tôn Thất cung đình Huế. Từ nhỏ ông có đủ điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Năm 18 tuổi, ông rời ghế nhà trường, theo học nghề làm đàn guitar của người bác họ. Hai năm sau thì theo anh em gia đình vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, mở tiệm đàn Duy Ngọc (đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3). Ngày mới đặt chân vào đất Sài Gòn với bao nỗi niềm nơi đất khách quê người. Những đêm buồn vắng, ông bầu bạn cùng chiếc đàn guitar, nhiều người thích thú đến nghe. Cây đàn ấy mang đến cho ông thêm nhiều người bạn. Sài Gòn trở thành quê hương thứ hai của ông.
|
Theo ông Ánh, cấu tạo của đàn guitar 6 dây gồm 10 bộ phận, bao gồm: cần đàn, đầu đàn, ty chỉnh đàn, dây đàn, thùng đàn, phím đàn, lược đàn, ngăn phím, chốt giữ dây, cầu ngựa đàn. Trong đó, dây đàn thường được làm bằng dây nylon hoặc kim loại (thường gọi là dây sắt). Để làm một cây đàn rất công phu. Gỗ nhập về phải xử lý kỹ để đạt đến độ ẩm nhất định rồi làm khuôn và cầu vành bên trong. Mặt đàn bào nhẵn với độ dày vừa đủ để cho âm thanh đúng như yêu cầu mới ráp vào khung. Sau khi dán keo phần thân đàn, nghệ nhân tranh thủ làm các chỉ viền xung quanh. Tiếp theo là đẽo cần và lá cần để gắn vào thân rồi đánh bóng, và sơn… |
|
Quy trình là vậy, người thợ nào cũng theo đó mà làm, nhưng chất lượng sau khi hoàn thành thì không ai giống ai. Ông nói: Mình là người theo chủ nghĩa “giải mã ngược”. Khi học được một điều gì đó, ông luôn tìm cách hỏi ngược lại, để tìm lời giải: nó từ đâu mà ra, vì sao phải như thế? Chẳng hạn như chiếc xe đạp chạy được dựa vào nguyên lý truyền động. Vậy nguyên lý đàn guitar sẽ hoạt động như thế nào để cho ra âm thanh với những tiếng ngân, tiếng vang phong phú, dù chỉ có 6 sợi dây đàn?. “Ở Việt Nam có vô số thợ làm đàn, nhưng lại không có quyển sách nào chỉ dẫn, hay dạy về nghề này, đó là điều đáng tiếc nhất. Tôi may mắn khi những năm đầu vào Sài Gòn gặp được những người bạn nước ngoài. Họ không chỉ biết chơi đàn, mà còn biết làm đàn với kiến thức vô cùng rộng lớn. Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, rồi những buổi “trà dư tửu hậu”, anh em bạn bè quý và hiểu nhau. Từ đó, họ gửi tặng tôi rất nhiều sách. |
Vừa nói, ông mở cho tôi xem một quyển sách tiếng Anh do Hiệp hội làm đàn guitar ở Mỹ xuất bản hàng quý. Trong đó, họ chia sẻ tất tần tật về nghề làm đàn, gần như không thiếu thứ gì. Những quyển sách đó không chỉ giúp ông trau dồi kiến thức, mà còn có thể “giải phẫu hồn cốt” trên từng bộ phận của chiếc đàn guitar. Chỉ tay vào bộ phận “ngựa dưới” (saddle) của chiếc đàn guitar, ông phân tích: Trên ngựa đàn bao giờ cũng được lặp đặt một “miếng xương”, ở đàn classic “miếng xương” này nằm ngang, còn ở đàn modern thì nó nằm xéo. “Sáu sợi dây đàn có độ căng khác nhau, khi bấm vào độ căng này sẽ thay đổi tạo ra sự lệch âm. Cho nên người thợ phải tìm cách đưa cao độ âm thanh đúng, bằng cách đặt xéo “miếng xương” và điều chỉnh những vị trí tiếp dây trên đó (compensation). Thợ làm đàn đều biết việc này và làm theo, nhưng khi được hỏi: “Vì sao “miếng xương” được làm như vậy thì không phải ai cũng trả lời được”. |
Đường Nguyễn Thiện Thuật có chiều dài chưa đến 1 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Minh Khai và kết thúc ở đường Điện Biên Phủ; nhưng có gần 30 tiệm đàn, nên người dân quen gọi là “phố đàn. Ngoài những cửa tiệm có đóng đàn như ông Ánh, phần lớn đàn bán tại đây đều có nguồn gốc từ cơ sở Ba Đờn, xưởng sản xuất nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh từ trước năm 1975. “Ba Đờn” tên thật là Nguyễn Văn Trân (SN 1947, quê ở Bến Tre), lên Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 13 tuổi, ông theo học nghề làm đàn của một nghệ nhân người Bắc, 3 năm sau thì thành nghề. Sau hơn 10 năm làm thuê cho các cơ sở sản xuất đàn, năm 1975, “Ba Đờn” tách ra làm riêng và tạo dựng được thương hiệu “guitar Ba Đờn”. Hiện tại, đây là một trong hai cơ sở cuối cùng của làng nghề làm đàn thủ công truyền thống đã tồn tại hơn nửa thế kỷ ở TP Hồ Chí Minh. |
![]() |
Hơn 30 năm theo nghiệp cha, anh Nguyễn Văn Nguyên (con trai thứ 4 của ông Ba Đờn) chia sẻ: “Đến được với nghề là duyên, gắn bó, trăn trở không dứt với nghề thì ấy là nợ. Tuổi thơ tôi lớn lên trong xưởng đàn, từng đói khổ với đàn, nay ấm no cũng nhờ đàn. Đóng đàn không chỉ là nghề mà còn máu thịt của tôi”. Với gần 100 thợ thủ công, mỗi tháng, xưởng xuất đi gần 7.000 chiếc đàn guitar. Thị trường lớn nhất vẫn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá thành mỗi chiếc đàn dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng. Qua hơn 50 năm, nghệ nhân Ba Đờn không chỉ truyền nghề cho con cháu mà còn tạo thu nhập cho hơn 100 công nhân là hàng xóm và nhiều lao động tỉnh lẻ. |
Khác với cơ sở Ba Đờn chuyên sản xuất đàn công nghiệp, tiệm đàn Duy Ngọc chỉ làm đàn thủ công bằng tay (handmade). Ở đó, ông Ánh là chủ và cũng kiêm luôn là người thợ duy nhất. Trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều cây đàn sản xuất công nghiệp với giá rẻ tràn ngập thị trường, khiến nghề làm đàn thủ công ngày càng mai một. Nhiều thợ đàn bỏ nghề vì không thể cạnh tranh. Nhưng ông Ánh vẫn kiên trì với mong muốn giữ gìn cái hồn của nghề. “Nghề này bây giờ ít người làm lắm, vì nó không nhanh giàu được. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng bỏ, thì sẽ mất đi những cây đàn có hồn. Tôi chỉ mong truyền lại đam mê này cho thế hệ sau” ông Ánh nói, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng. Và quả thật, có không ít bạn trẻ yêu nhạc tìm đến ông để học hỏi. Dù biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn, ông Ánh vẫn sẵn lòng chỉ dạy, vì với ông, tình yêu dành cho đàn không chỉ nằm ở những sản phẩm hoàn thiện, mà còn ở việc giữ lửa cho những ai chung niềm đam mê và cảm xúc. |
Đến nay, ông Ánh đã tạo ra hàng nghìn cây đàn, từ guitar cổ điển, acoustic đến những cây đàn đặt riêng theo yêu cầu. Nhưng điều khiến ông tự hào nhất không phải số lượng đàn bán ra, mà là những câu chuyện phía sau từng sản phẩm. “Trên chiếc đàn cũ kỹ của khách mang đến là những câu chuyện gắn với đời người mà chủ nhân chẳng bao giờ bỏ đi được. Có người đến sửa đàn mà tiền sửa còn nhiều hơn cả tiền mua đàn mới. Làm ra đàn phải có người chơi. Khi có người chơi thì phải có người nghe và thưởng thức. Nhưng đôi lúc chỉ cần mình chơi cho… chính mình là đủ. Âm nhạc như sợi dây kết nối vô hình, cho chúng tôi nhiều người bạn hơn”, ông Tôn Thất Ánh tâm sự. Vừa trò chuyện, ông Ánh dùng tay gõ nhẹ vào thùng đàn, rồi phân tích: “Ngay cả khi cưa cùng một cây, cũng sẽ không bao giờ có được hai miếng gỗ giống nhau. Mỗi miếng gỗ có độ dày, mỏng khác nhau… Để làm đàn, việc đầu tiên là chọn gỗ, mình gõ vào gỗ để nghe âm thanh, “cảm” được độ cứng, độ vang và tần số của nó. Từ đó, mới đưa ra quyết định xử lý gỗ như thế nào để tạo ra âm thanh tốt nhất. Để nghe được đó là quá trình học hỏi và rèn luyện công phu. Theo ông Ánh, “chỉ có gỗ tốt, chứ không có gỗ hay. Hay hay dở là do kỹ thuật của người thợ, đó cũng là điểm cốt lõi của vấn đề làm đàn bằng tay. Xưởng chúng tôi nhập gỗ từ những cánh rừng châu Âu và Bắc Mỹ để làm đàn. Gỗ tại Việt Nam chỉ có một vài loại thích hợp làm đàn, nhưng chất lượng không cao”. |
|
Trò chuyện với tôi, ông Ánh luôn né tránh những cụm từ như “cảm nhận”, vì nó mang tính chủ quan. Theo ông, nghệ thuật dù gắn liền với cảm xúc, nhưng phải dựa trên những yếu tố khoa học kỹ thuật. Ông luôn đánh giá sự vật, sự việc bằng những logic khoa học rõ ràng, bằng “lý tính” chứ không phải là “cảm tính”. Làm bất cứ công việc gì cũng phải dựa vào 3 yếu tố quyết định: kiến thức (knowledge), kỹ năng (skill) và kinh nghiệm (experience). “Làm đàn, khâu nào cũng quan trọng, đòi hỏi những yếu tố kỹ thuật khắt khe. Khi đánh giá một cây đàn guitar phải dựa vào hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất là người chơi có thể đánh một cách dễ dàng, nhờ vào cần đàn được trau chuốt vừa tay, dây đàn bấm nhẹ. Thứ hai là âm thanh, tiếng đàn trong trẻo, độ ngân, vang…”, vẫn lời ông Ánh. Ông Ánh giỏi tiếng Anh, nói ít và rất khiêm tốn về bản thân, nhưng ông có thể kể hàng giờ về cách làm đàn, quan điểm sống và âm nhạc nếu gặp người đồng cảm. Ông nghe không biết bao nhiêu loại đàn, đọc không biết bao nhiêu tài liệu nước ngoài, phân biệt rất rõ từng loại gỗ làm đàn, từng loại âm, tiếng bass, độ vang, độ rung… "Cũng giống như mỗi người có giọng nói, cái chất khác nhau. Người chơi đàn cũng phải chơi thế nào, tìm cây đàn phù hợp để ra cái chất của riêng mình", ông Ánh nói, lần giở những quyển sách cũ được viết bằng tiếng Anh về kỹ thuật làm đàn. Có người thấy ông kỳ công hàng giờ đồng hồ chỉ để chỉnh sửa một chi tiết nhỏ của đàn, họ hỏi: “Làm như thế để làm gì, có ai biết đâu?”, ông cười đáp: “Có chứ, lương tâm người thợ biết,… ông trời biết, và sẽ có những khách hàng biết”. Tình yêu dành cho đàn trước hết là “trách nhiệm của người thợ” để cho ra một sản phẩm tốt. |
Từ những năm đầu của thập niên 80, phố đàn Nguyễn Thiện Thuật đã là điểm đến quen thuộc của những người yêu nhạc. Ban đầu chỉ có vài cửa hàng nhỏ lẻ, nhưng theo thời gian, đã trở thành một trung tâm mua sắm nhạc cụ phong phú và đa dạng. Không chỉ phục vụ nhu cầu của cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn người chơi bình dân, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Hôm tôi đến phố đàn, ông Trần Văn Quang (SN 1953) cũng mang 2 cây đàn đi sửa. Đam mê đàn guitar từ bé, đặc biệt khi nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh, nghe độc tấu guitar, ông đã coi âm nhạc (nhất là nhạc Trịnh) như một người bạn tri kỷ. Năm 15 tuổi, bé Quang tiết kiệm từng đồng bạc lẻ từ những bữa ăn sáng, mua được cây đàn guitar đầu tiên. Ngoài thời gian học ở trường, ông suốt ngày ôm đàn tập hát. Không có thầy trực tiếp hướng dẫn, ông nghe băng cát-xét rồi kiên trì luyện tập theo từng “câu lead, những khúc giang tấu và cả những khoảng lặng bất chợt để nhấn nhá từng node nhạc thâm trầm hay réo rắt mà chỉ có cây guitar cùng những ngón đàn đặc thù mới chuyển tải được”!? Từ trong chiến tranh đến thời bình, nhiều khi dù trong túi không có cắc bạc nào, cây đàn guitar vẫn không bao giờ rời xa ông. |
|
“Mỗi một ca khúc, mỗi nhạc phẩm là một thông điệp buồn, vui khác nhau, có lúc sầu đến não lòng…nhưng tất cả đều thể hiện một triết lý sống, hướng con người đến tình yêu thương, quên đi những đố kỵ và thù hận để gần gũi nhau hơn. Tôi chơi nhạc vì muốn chia sẻ những thông điệp đó với tất cả mọi người”. Chính vậy mà ông đã trở thành một tay đàn guitar có tiếng, được nhiều bạn bè và giới nghệ sĩ biết đến. Ông Nguyễn Nhật Tiến (68 tuổi, quận 1) nhớ lại: Đầu thập niên 1990, cây đàn guitar acoustic là “món ăn” hằng ngày của ông và một thế hệ người Sài Gòn. Thời gian thay đổi quá nhanh, ông bị cuốn theo vòng xoáy mưu sinh cuộc sống, nhiều lúc như “ngộp thở” với núi công việc giải quyết mỗi ngày. Mấy chục năm trôi qua như cục tẩy xóa nhòa mọi thứ. Hôm chạy xe trên đường 3/2 (quận 10), thấy anh bảo vệ ngồi trước Trung tâm bảo hành Xiaomi chơi đàn giữa tiếng xe cộ “ồn ào, tạp nhạp”…tình yêu mãnh liệt những thanh âm réo rắt, mỏng manh, nhưng lại sâu lắng và đầy mê hoặc phát ra từ 6 sợi dây đàn guitar. Ông chợt nhận ra những điều thẳm sâu nơi tâm hồn mình từng đã bị “khỏa lấp bởi cuộc mưu sinh” bỗng chợt sống lại một thời từng yêu thương, rung động... Ông tìm đến phố Nguyễn Thiện Thuật sửa lại cây đàn cũ. Âm thanh của cây guitar đưa ông trở về với chính mình của ‘một thời trai trẻ’ tràn đầy năng lượng cùng những phút mộng mơ, hoài bão. Với ông, khi tiếng đàn, tiếng hát được cất lên, tất cả niềm vui-nỗi đau trong đời thường sẽ được tuôn trào theo dòng cảm xúc. “Cuộc sống này biết bao vui buồn lẫn lộn, bất kỳ ai cũng có lúc muốn tìm về cái tôi của chính mình. Âm nhạc như một tấm gương soi, giúp chúng ta làm được điều như thế”.
Thời trai trẻ của ông là quãng thời gian dạt dào cảm xúc trong trẻo bởi “Ngôi nhà mặt trời mọc”(The House of the Rising Sun); “Đồng xanh”(Green Fields)…rồi “Khi xưa ta bé”(Bang bang)… Ông nói cùng tôi nhưng cũng như một lời tự sự: “Giữa cái ồn ào của xe cộ, ngột ngạt của những khối bê-tông… Rồi một bữa đi ra vùng Bình Chánh chợt thấy những cánh đồng xanh mướt nho nhỏ, con rạch nhỏ cùng ven lá dừa nước tự nhiên trong đầu văng vẳng lời ca: “Ta yêu đồng xanh, như đã yêu thương con người! Ta thương đôi tình nhân kia như gió thương yêu mây trời…” mà lòng mình chợt nhẹ lại, thanh thản đến lạ! Giữa dòng xe cộ ồn ào của một sài Gòn hối hả, những người thợ như ông Ánh vẫn đang cần mẩn với cây đàn, họ giữ lại những thanh âm từng là nguồn sống, nét vàng son của một thế hệ người Sài Gòn. Ông Ánh luôn xem khách đến mua đàn là những người bạn. Mỗi ngày, họ bấm phím, so dây…, cùng chia sẻ những buồn vui. Bằng niềm đam mê, họ mang tiếng đàn tô điểm những cơn “mưa hồng” cho cuộc sống. Có người nói với tôi rằng, giá trị trường tồn của âm nhạc càng mãi mãi thêm, bởi có những con người như vậy!
|
Bài viết: Trần Lưu Ảnh, Video: Trần Lưu Thiết kế: An Nhiên |