![]() |
Vượt thác và chèo thuyền đổ thác, loại hình du lịch mạo hiểm khiến nhiều người chỉ nhìn đã thót tim. Ảnh Kenh14.vn |
Những vụ tử nạn vì chinh phục thử thách
Sáng ngày 22/9/2018, nhóm du khách quốc tế gồm 11 người đến từ các nước Hàn Quốc, Bỉ, Anh, Canada tham gia tour đu dây, nhảy thác trong khu du lịch thác Datanla (Đà Lạt). Sau khi vượt qua nhiều đoạn thác trong hành trình, nhóm du khách thử thách tại một thác nước cao khoảng 9 m. Tại đây, Jang Won Seok (23 tuổi, du khách người Hàn Quốc) đã bị tử nạn. Trước đó, năm 2016, 3 du khách người Anh cũng gặp tai nạn chết người tại khu du lịch thác Datanla.
Ngày 20/5/2018, một du khách ngoại quốc (Thi An Kiện) tử nạn tại tầng thứ 4 của thác Lao Phào, thuộc tuyến đường Tà Năng - Phan Dũng, thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 10/11/2017, lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng đã tìm thấy thi thể nam du khách Pont Lee Miguel (40 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha) sau khi người này bị ngã xuống vực sâu khoảng 70m trên đèo Mã Pì Lèng.
Ngày 4/6/2016, Aiden Webb, một du khách người Anh được cho là đã ngã xuống thác, chấn thương nặng dẫn đến tử vong sau khi một mình chinh phục đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai)...
Đó chỉ là 5 trong số hàng chục vụ tai nạn chết người trong suốt thời gian vừa qua xảy ra ở loại hình du lịch mạo hiểm.
Chị Thủy, sống tại TP. Hồ Chí Minh là người rất đam mê phượt. Kỷ niệm nhớ đời nhất chính là lần chị thoát chết tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Chia sẻ câu chuyện của mình trên facebook cá nhân, chị Thủy cho biết: “Khoảng 2 giờ chiều, trời đổ mưa... Đến 4 giờ chiều, mưa nhỏ lại và nhóm quyết định đi; được khoảng 10m thì gặp phải đoạn đường ngập sâu. Mình cao 1,53m, chỉ nhảy được khoảng 2/3 chiều rộng con suối, nên ngã xuống nước. Mình chìm dần... May mắn là mọi người kéo tay mình kịp lúc…”.
Hùng, sinh viên trường đại học Kiến Trúc, Hà Nội cho biết: Mặc dù có nghe về các vụ tai nạn thương tâm xảy ra với du khách, nhưng cảm giác chiến thắng chính mình, tìm kiếm giới hạn chịu đựng của bản thân có sức quyến rũ rất lớn.
![]() |
Thác Datanla, nơi một du khác ngoại quốc tử nạn vì loại hình du lịch mạo hiểm. |
Những khoảng trống pháp lý
Không phải chỉ riêng Việt Nam, du lịch mạo hiểm thế giới 2 năm qua tăng trưởng trung bình đạt 65%/ năm. Một số quốc gia trên thế giới đã bắt tay xây dựng những bộ tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng về hoạt động du lịch mạo hiểm
Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO đã ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến loại hình du lịch này, đó là các tiêu chuẩn về các yêu cầu cho hệ thống quản lý an toàn; thông tin cho những người tham gia, yêu cầu về kỹ năng và kiến thức cho các nhà điều hành... Các tiêu chuẩn đó được ban hành với mục đích thúc đẩy loại hình du lịch mạo hiểm được tổ chức bài bản hơn, quy củ hơn, an toàn hơn.
Đáng tiếc, ở Việt Nam, sau hàng loạt các vụ tử nạn do du lịch mạo hiểm, vẫn chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hay quy định hướng dẫn quản lý về loại hình du lịch đặc thù này. Mãi tới 1/1/2018, bằng việc ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ, vấn đề du lịch mạo hiểm mới được đề cập tới. Song, hiện mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp áp dụng một kiểu vì không có tiêu chuẩn quốc gia. Đáng lo ngại hơn, nhiều doanh nghiệp lữ hành, tổ chức tour hiện nay chưa mua bảo hiểm du lịch mạo hiểm cho du khách.
![]() |
Thác Madagui (Lâm Đồng), nơi du khách ưa loại hình du lịch mạo hiểm rất thich, song cũng rất nguy hiểm. |
Có một thực tế là Luật Du lịch vẫn chưa có quy định riêng về bảo hiểm du lịch mạo hiểm, cũng như không giới hạn mức đền bù tối thiểu cho bảo hiểm du lịch nên các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa quan tâm nhiều tới vấn đề bảo hiểm cho du khách, còn các cơ quan bảo hiểm cũng “lúng túng” khi phối hợp giải quyết, đền bù thiệt hại.
Trả lời trên diễn đàn báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) từng nhận định: Du lịch mạo hiểm là loại du lịch chuyên biệt nên không thể chạy theo số lượng khách. Các đơn vị cần chắc chắn về khả năng tổ chức mới nhận tour. Không thể vì khách yêu cầu rồi mới mò mẫm cách làm. Đối với loại hình du lịch có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng du khách, vai trò của hướng dẫn viên càng đặc biệt quan trọng. “Thời gian qua, du lịch mạo hiểm tại Việt Nam vẫn theo kiểu tự phát, mạnh ai người đó làm. Khi khách có nhu cầu thì một số đơn vị đứng ra tổ chức, trong khi các tiêu chuẩn an toàn chưa đáp ứng”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.
Hiệp hội Thương mại du lịch mạo hiểm toàn cầu (ATTA) khuyến cáo: Trước khi đưa một mô hình này vào vận hành, cần phải lên kế hoạch và thực hiện kiểm tra độ an toàn của khu vực cũng như hoạt động mạo hiểm, đặc biệt chú ý vấn đề khi có rủi ro xảy ra, các cơ quan chức năng như cảnh sát, y tế, bảo hiểm… sẽ phối hợp xử lý như thế nào, giao thông thuận tiện hay không. Bởi rủi ro luôn có thể thay đổi, do đó việc duy trì và cập nhật kế hoạch thực hiện, tập huấn xử lý rủi ro thường xuyên là tối quan trọng.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
