e magazine
04/04/2025 16:09
Kỹ sư Phan Văn Điền và sáng kiến bảo trì điện không gián đoạn

04/04/2025 16:09

Tại một huyện ngoại thành ở TP. HCM như Củ Chi – nơi các trạm biến áp trải dài khắp các tuyến lộ nông thôn, việc đảm bảo điện ổn định cho dân cư, nhà máy, xưởng sản xuất là một bài toán không hề đơn giản. Nhưng ở đó, có một người kỹ sư không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, để mỗi dòng điện không bị gián đoạn – kể cả khi… đang bảo trì.

Trước đây, mỗi lần cần bảo trì hay sửa chữa trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không, ngành Điện lực tại Củ Chi buộc phải cắt điện toàn bộ trạm. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng trong khu vực – từ hộ dân đến các cơ sở sản xuất – phải chịu cảnh mất điện, có khi kéo dài hàng giờ.

“Đơn vị chúng tôi cũng không vui gì khi phải báo cắt điện. Nhưng vì an toàn, vì kỹ thuật, không còn cách nào khác,” một cán bộ kỹ thuật tại đây chia sẻ.

Kỹ sư Phan Văn Điền (bên phải) đã có nhiều sáng kiến hữu ích. Ảnh: ĐVCC

Mất điện không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt, mà với các cơ sở sản xuất, đó là tổn thất rất lớn về kinh tế. Đó cũng là nỗi trăn trở kéo dài của kỹ sư Phan Văn Điền (SN 1964, Công ty Điện lực Củ Chi - Tổng Công ty Điện lực TP. HCM) – người đã nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, vận hành và bảo trì lưới điện phân phối.

Từ những lần theo chân đội bảo trì đi hiện trường, chứng kiến sự lúng túng, đôi khi là bức xúc của người dân, ông Điền quyết tâm nghiên cứu một giải pháp mới – vừa đảm bảo an toàn cho người công tác, vừa không làm gián đoạn dòng điện cho khách hàng.

Và rồi, sau nhiều ngày ăn ngủ cùng bản vẽ, thử nghiệm trên sa bàn, mô phỏng kỹ thuật, ông cho ra đời một sáng kiến táo bạo: “Phương pháp sửa chữa, bảo trì trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không mà không cần cắt điện toàn trạm.”

Nghe tưởng chừng bất khả thi, nhưng ông Điền đã làm được. Giải pháp của ông bắt đầu từ việc nghiên cứu phương pháp hòa đồng bộ hai nguồn lưới hạ thế – một hướng đi hoàn toàn mới trong công tác bảo trì trạm biến áp. Theo đó, ông sử dụng máy biến thế lưu động để tạo ra một nguồn điện phụ. Nguồn phụ này được đấu nối lên lưới trung thế, sau đó hòa song song với lưới hạ thế của nguồn chính đang vận hành. Khi đã thực hiện thành công quá trình hòa đồng bộ giữa hai nguồn, kỹ sư Điền cho cắt nguồn chính – tức trạm biến áp hiện hữu – ra khỏi lưới điện để tiến hành sửa chữa, bảo trì hoặc tăng cường công suất.

Điều đặc biệt nằm ở chỗ: Trong suốt quá trình thao tác, phụ tải của khu vực được chuyển hoàn toàn sang sử dụng nguồn phụ, đảm bảo cho khách hàng không bị mất điện. Nhờ vậy, việc cung cấp điện trở nên liên tục, ổn định, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân hay sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáng kiến này không chỉ giải bài toán kỹ thuật khó, mà còn nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện – một tiêu chí quan trọng của ngành điện hiện đại. Việc đưa vào vận hành giải pháp này tại Củ Chi đã mang lại hiệu quả thiết thực: giảm thiểu tổn thất điện năng, rút ngắn thời gian thao tác, và quan trọng nhất – tạo sự hài lòng, tin tưởng từ phía khách hàng.

Kỹ sư Phan Văn Điền và sáng kiến bảo trì điện không gián đoạnNhờ sáng kiến của ông Điền, việc sửa chữa, bảo trì trạm biến thế phân phối đối với đường dây trên không đã không còn gây mất điện, mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Ảnh: P.V

Việc triển khai thực hiện đề tài nêu trên đã đem lại hiệu quả cao trong công tác cung cấp điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện khách hàng. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng điện của khách hàng, cung cấp điện đầy đủ và kịp thời cho các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,... Về phía ngành Điện liên tục bán được điện cho khách hàng. Đề tài làm lợi cho doanh nghiệp 2,5 tỷ đồng/năm.

Trong ngành Điện, mỗi giây mất điện là một hệ lụy – không chỉ gây bất tiện cho sinh hoạt, gián đoạn sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng dịch vụ. Với suy nghĩ “làm sao để khách hàng không bị mất điện dù chỉ một giây”, kỹ sư Phan Văn Điền đã tiếp tục cho ra đời một sáng kiến thứ hai: Sử dụng Jumper làm thiết bị dẫn điện tạm thời thay thế dây chì trong FCO, cho phép xử lý sự cố, bảo trì ngay trên lưới trung thế mà không cần ngắt điện.

FCO – viết tắt của Fuse Cut-Out – là thiết bị đóng cắt tự động được lắp trên lưới điện trung thế để bảo vệ máy biến áp. Trong thực tế vận hành, khi cần kiểm tra, thay thế hay tăng cường dây chì trong FCO, đơn vị điện lực thường phải cắt điện toàn khu vực liên quan để đảm bảo an toàn.

“Tình huống đó xảy ra rất thường xuyên, nhất là trong mùa nắng nóng, phụ tải tăng cao. Cứ mỗi lần thao tác FCO là phải cắt điện. Chúng tôi cũng tiếc lắm, vì dù chỉ 15-30 phút nhưng người dân và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng,” kỹ sư Điền chia sẻ.

Kỹ sư Phan Văn Điền được trao tặng "Giải thưởng Tôn Đức Thắng” năm 2024. Ảnh: ĐVCC

Trăn trở với vấn đề trên, ông Điền cùng cộng sự đã mày mò nghiên cứu một thiết bị có thể “vượt qua” điểm yếu này – đó là Jumper tạm thời. Thiết bị này có thể đấu nối trực tiếp vào hai đầu của ngàm trên và ngàm dưới FCO – nơi lẽ ra dòng điện bị ngắt khi tháo chì. Nhờ Jumper, dòng điện trung thế vẫn được dẫn liên tục, trong khi phần dây chì – thiết bị bảo vệ chính – được tháo ra để bảo trì hoặc thay thế.

Nói cách khác, thiết bị Jumper cho phép cô lập tạm thời chì FCO mà không cần cắt điện toàn bộ phụ tải, giúp công nhân kỹ thuật có thể thực hiện thao tác mà không làm gián đoạn dòng điện đến khách hàng.

Không dừng lại ở việc “làm được”, nhóm của kỹ sư Điền còn biên soạn thành quy trình kỹ thuật chuẩn, kèm theo video clip hướng dẫn từng động tác một cách chi tiết, dễ hiểu. Đây là bước đi mang tính chuyên nghiệp và có ý nghĩa lớn trong công tác huấn luyện nội bộ của ngành điện lực TP. HCM.

Khi đưa giải pháp nêu trên vào áp dụng thực tế đã giúp công tác kiểm tra thay chì FCO để ngăn ngừa sự cố được thực hiện một cách chủ động, số lượng các vị trí được thực hiện tùy theo tình hình thực tế cần thiết (do không làm mất điện khách hàng), góp phần đảm bảo vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn quản lý. Về phía ngành Điện liên tục bán được điện cho khách hàng. Sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp hơn 2,1 tỷ đồng/năm.

Nhờ sáng kiến của ông Điền, ngành điện lực đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào bảo trì không gián đoạn. Ảnh: ĐVCC

Dù chỉ là một đoạn dây dẫn tạm thời, với một vài thao tác nhỏ trên cột điện; nhưng phía sau đó là tư duy cải tiến, là ý chí không chấp nhận sự “bình thường cắt điện” mỗi khi có sự cố.

Kỹ sư Điền không nói nhiều về mình, chỉ khiêm tốn: “Tôi và anh em trong tổ kỹ thuật luôn nghĩ: Nếu mình là khách hàng, mình cũng đâu muốn đang làm việc mà bị cúp điện”. Chính từ suy nghĩ đơn giản ấy, những sáng kiến như Jumper tạm thời đã ra đời – phục vụ hàng ngàn hộ dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mà không ai hay biết họ từng “suýt” khổ sở vì mất điện.

Sản lượng điện không bị thất thoát. Người dân và doanh nghiệp hài lòng. Anh Trí, chủ một xưởng cơ khí nhỏ tại xã Phú Hòa Đông chia sẻ: “Mỗi lần cúp điện là cả xưởng nghỉ, trễ đơn hàng, mất tiền. Từ khi bên điện lực làm kiểu mới, tụi tôi gần như không còn lo chuyện mất điện nữa”.

Không chỉ dừng lại ở hai sáng kiến tiêu biểu nêu trên, kỹ sư Phan Văn Điền còn có nhiều cải tiến kỹ thuật khác trong ngành Điện. Các sáng kiến của ông đều xuất phát từ thực tiễn công việc, bám sát yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn nhưng luôn hướng đến mục tiêu lớn nhất: "Giữ dòng điện ổn định cho khách hàng".

Với những đóng góp tích cực, sáng tạo không ngừng, tháng 8/2024, kỹ sư Phan Văn Điền đã được LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh tuyên dương và trao tặng Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24. Đây là giải thưởng danh giá dành cho những công nhân, kỹ sư tiêu biểu có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật xuất sắc. Đó không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực cá nhân ông, mà còn là nguồn cảm hứng lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ kỹ thuật ngành Điện thành phố.

Đồng chí Võ Khắc Thái - Chủ tịch LĐLĐ TP. HCM, cho biết: "15 cá nhân được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 (trong đó có kỹ sư Điền) đều là những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất - kinh doanh, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực được áp dụng thực tiễn; là những người thợ đầu đàn luôn tận tâm dìu dắt, hướng dẫn các lớp thợ trẻ nâng cao trình độ tay nghề. Các gương được tôn vinh góp phần tích cực xây dựng phát triển doanh nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong thế giới hiện đại, khi điện không chỉ là ánh sáng mà là nhịp sống, là sản xuất, là kết nối – thì mỗi đóng góp thầm lặng cho sự ổn định ấy đều đáng trân quý. Câu chuyện của kỹ sư Phan Văn Điền chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của sáng tạo, lòng tận tâm và tinh thần phục vụ nhân dân của những người “giữ dòng điện không ngừng chảy”...

Bài viết: Trần Lưu

Thiết kế: Trường Sơn

TRẦN LƯU

Xem phiên bản di động