![]()
|
Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Tính đến hết ngày 11/03/2021, Việt Nam ghi nhận 2.529 trường hợp mắc Covid-19, trong đó chữa khỏi được 2.024 người và tử vong 35 người. Trước tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới và ở Việt Nam có thể lại tiếp tục bùng lên bất cứ lúc nào, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng đến mục tiêu 80% dân số được tiêm phòng vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, với nguồn cung ứng vắc xin hiện nay, trong giai đoạn 2021 - 2022, Việt Nam mới tiêm được khoảng 20% dân số cả nước (khi có đủ nguồn vắc xin). Trong khi đó, để tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều. COVAX facility và Công ty AstraZeneca cũng đã cam kết cung cấp 60 triệu liều, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Thêm vào đó, về lâu dài, khi còn có thể có những biến chủng khác từ SARS-CoV-2 hoặc những dịch bệnh khác tương tự có thể xuất hiện thì việc tự chủ nguồn vắc xin mới là giải pháp lâu dài. Vắc xin Nano Covax đã hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2. Ảnh: Nanogen. Hiện Việt Nam đã có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng dịch Covid-19 là: Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen. Đến thời điểm này, có ba nhà sản xuất đã làm nghiên cứu tiền lâm sàng là VABIOTECH, POLYVAC và Nanogen. Hiện tại, Nano Covax đã hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen cho 560 tình nguyện viên. Ở giai đoạn 2, vắc xin Nano Covax được thử nghiệm cho 280 tình nguyện viên. Hiện sức khoẻ tất cả các tình nguyện viên đều ổn định. Sau tiêm, tình nguyện viên sẽ được lấy máu xét nghiệm kháng thể vào ngày thứ 28, 34, 42, 3 tháng và 6 tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên. Sau 28 ngày nữa, 560 tình nguyện viên này sẽ tiếp tục được tiêm mũi 2 vắc xin Nano Covax. Do giai đoạn 2 phối hợp đa trung tâm nên thời gian thử nghiệm sẽ rút ngắn một nửa, chỉ còn 2 tháng. Đến tháng 5, nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu để báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế. Nhân viên y tế tiến hành tiêm thử vắc xin Nano Covax giai đoạn 1. Ảnh: Báo Tin tức. Trong đó, dự án của VABIOTECH đã vượt so với kế hoạch, với kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao. Dự kiến, để cho ra đời vắc xin phòng Covid-19 hoàn chỉnh cần 9 - 12 tháng nữa, nhưng VABIOTECH đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Ths Mạc Văn Trọng, chuyên gia nghiên cứu vắc xin của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho hay: "Tôi cùng các nhà khoa học tại VABIOTECH đã hợp tác với Trường Đại học Bristol (Anh) nghiên cứu vắc xin nói chung. Về tiến độ, hiện tại VABIOTECH cũng đang làm các thủ tục để vắc xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người trong tháng 3 này. Nhưng chúng tôi rất lạc quan bởi trên báo cáo tiền lâm sàng, tính sinh miễn dịch, tính đáp ứng kháng thể, đáp ứng miễn dịch đều an toàn. Dự kiến cuối năm nay có thể đưa vắc xin vào tiêm đại trà”. Chuyên gia của Vabiotech nghiên cứu vắc xin trong phòng thí nghiệm. Cũng theo Ths Mạc Văn Trọng: "Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc xin cho Việt Nam, đặc biệt là trong công tác ứng phó với các đại dịch sau này. Trong tương lai nếu có xuất hiện thêm chủng virus corona mới thì với công nghệ sẵn này, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc xin mới". Dự án nghiên cứu vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) được nghiên cứu từ tháng 5/2020, kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Vắc xin COVIVAC sẽ được tiến hành thử nhiệm trên người vào ngày 15/3. Các lô vắc xin dự tuyển thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia NICVB. NICVB đã cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vaccine thành phẩm. Vắc xin COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài. Đến nay, dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 lâm sàng trên người vào ngày 15/3 tới tại Trường Đại học Y Hà Nội. Dự kiến đến tháng 10/2021 cũng sẽ hoàn thành. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng kéo dài trong 3 tháng, dự kiến sẽ tiêm cho 120 tình nguyện viên, lứa tuổi 18 - 59. Nếu các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, cho kết quả tốt, COVIVAC được cấp phép, đi vào sản xuất đầu năm 2022, với công suất ban đầu khoảng 60 triệu liều/năm; giá thành phù hợp với người Việt Nam. |
![]() Chuyên gia nghiên cứu vắc xin trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Vabiotech. |
Bài viết: Khuê Nguyệt Minh |
![]() Không thể tin nổi, không thể nào hay chưa từng có là những từ mà dư luận ngỡ ngàng khi nhắc đến tin khởi tố ...
|