Dự án “con gà cao sản đẻ trứng vàng"
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được Chính phủ ký Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28/9/2011 với tổng chiều dài khoảng hơn 90 km, nhưng do nhiều lý do, dự án đã bị trễ tiến độ đã hơn 11 năm, chỉ mới hoàn thiện được 16,7 km do tỉnh Bình Dương thực hiện.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác thi công dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: TPO |
Theo thông tin mới nhất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức vào ngày 21/2 vừa qua, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ chính thức khởi động trở lại trên toàn tuyến vào khoảng giữa năm nay. Theo đó, phần còn lại của dự án có tổng chiều dài là 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM khoảng 50% chiều dài, 50% còn lại thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án có thiết kế là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 4 làn xe với tốc độ 100 km/giờ, có tổng mức đầu tư trên 75.300 tỷ đồng.
Đây là dự án mà ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM đã ví von là “con gà đẻ trứng vàng”, với kỳ vọng dự án này sẽ tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội cả vùng, mở ra hướng mới để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Đối với các tỉnh Đông Nam Bộ - nơi có nhiều khu công nghiệp, hướng phát triển này sẽ là tiền đề cơ bản cho việc tạo dựng, phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh vấn đề việc làm bền vững cho người lao động đang cần được giải quyết.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương kiểm tra dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: UBND BD |
Cam kết khởi công vào tháng 6/2023
Nếu không tính đoạn 16,7 km của dự án này (đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn) mà tỉnh Bình Dương đã thực hiện, thì đến nay Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng và được chia thành 2 dự án thành phần 5 và 6. Trong đó, dự án thành phần 5 là xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP. HCM), trị giá 5.752 tỉ đồng; dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) với tổng vốn 13.528 tỉ đồng cho khoảng 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Võ Ngọc Sang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương thông tin, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là tới ngày 30/4/2023 khởi công dự án.
![]() |
Bản đồ tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM. |
TP.HCM là địa phương chiếm 50% chiều dài toàn tuyến, được Chính phủ phân công làm đầu mối triển khai dự án nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành được km nào của dự án này. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công nói trên, ông Phan Văn Mãi đã giải thích lý do dự án bị chậm có nguyên nhân lớn nhất là thiếu vốn, khó giải phóng mặt bằng nên giá đất tăng, làm tăng vốn đầu tư, mất thời gian điều chỉnh, do vướng thủ tục hồ sơ, do phát sinh các tình huống… Ông Phan Văn Mãi cam kết: Năm 2023 này, TP.HCM đã bố trí đủ vốn để khởi công dự án này trước ngày 30/6, sẽ bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
Năm 2023, trong các hạng mục công trình trọng điểm mà UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ cho ngành Giao thông vận tải tỉnh, có nhiệm vụ khởi công xây dựng phần đường thuộc dự án Đường Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp bàn về tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh này vào đầu tháng 2/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cũng đã một lần nữa yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng tái định cư đối với Dự án đường Vành đai 3 để khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Trước đó, tại Hội thảo "Thúc đẩy Dự án vành đai 3 - động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Nguyễn Bồn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, Dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 đoạn: Đoạn 1A do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thi công, đoạn 2A được phân cho tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Đến tháng 12/2023, Đồng Nai đã bàn giao ranh mốc của dự án này được 80%.
![]() |
Vị trí dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương nhìn từ vệ tinh. Ảnh: PV |
Dự án đường Vành đai 3 qua tỉnh Long An gồm 2 dự án thành phần 7 và 8. Trong đó, dự án thành phần 7 dài 6,37km với tổng mức đầu tư 3.040 tỉ đồng. Còn dự án thành phần 8- bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng 6,84km chiều dài đường, có tổng mức đầu tư 1.168 tỉ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Văn Được cũng đã cam kết khởi công dự án này vào tháng 6/2023.
Dự án đường Vành đai 3 đã được các địa phương cam kết khởi công nhưng để dự án không tiếp tục kéo dài, cần lưu ý giải quyết hai vấn đề: Việc giải phóng mặt bằng tính đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành 100%, cùng với vấn đề tái định cư thì giải phóng mặt bằng luôn là lý do lớn nhất làm kéo dài các dự án đầu tư công. Vấn đề thứ hai là có thể thiếu cát xây dựng, nhất là cát san lập mặt bằng do đồng thời đang có nhiều dự án giao thông lớn đang thi công.
TS Trần Du Lịch: “Dự án đường Vành đai 3 không chỉ là con đường chiến lược tạo liên kết vùng, mà còn là dự án cho thấy có sự thay đổi rất lớn trong cách làm, là dự án trọng điểm quốc gia nhưng TP. HCM được giao làm đầu mối triển khai. Điều này thể hiện rõ cơ chế phân cấp, phân quyền cũng như vai trò của địa phương khi làm công trình lớn. Dự án cũng được áp dụng một số giải pháp đặc thù nên nếu làm tốt có thể tạo thành cơ chế chung cho các dự án lớn khác. Nếu khai thác tốt quỹ đất dọc tuyến sẽ tạo nguồn lực khổng lồ để tái đầu tư”. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Cần phải khách quan và trong sáng trong việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công, nếu không trong sáng mà cố tình làm sai, chúng ta sẽ đánh mất đi vinh dự được đóng góp cho công trình trọng điểm này và mất luôn cả danh dự, sự nghiệp…”. |
Tin mới hơn

VietinBank iConnect DX: Sáng kiến API và ngân hàng mở đột phá nhất Việt Nam

Phúc Long và hành trình lan tỏa tinh hoa trà Việt đến Gen Z

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam
Tin tức khác
