![]() |
Theo các công đoàn ngành Giáo dục, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng quy định về thời điểm tính hưởng hỗ trợ ảnh hưởng bởi Covid-19 đối với giáo viên từ ngày 1/4/2020 tại Nghị quyết 154/NQ-CP là chưa hợp lý. Sẽ rất khó để giáo viên, người lao động (NLĐ) ngành Giáo dục được hưởng mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.
![]() |
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, Khoản a, Điều 1 đã sửa đổi, bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ so với Nghị quyết số 42/NQ-CP. Đối tượng được mở rộng, gồm NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, theo hằng tháng tùy vào tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
Theo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An, việc lấy mốc thời gian 1/4/2020 để tính hưởng hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý.
“Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo ở mỗi tỉnh lại quyết định cho các nhà trường tạm dừng hoạt động dạy và học ở các thời điểm khác nhau. Có những tỉnh tạm dừng đến trường từ tháng 2 hoặc tháng 3/2020. Có tỉnh quy định tạm dừng từ ngày 1/4 do thực hiện giãn cách xã hội.
Tại Nghệ An, khối tiểu học quay trở lại trường vào tháng 5/2020. Nhưng khối trung học phổ thông thì học tập trở lại vào tháng 7 hoặc tháng 8/2020. Như vậy, thời điểm nghỉ dịch Covid-19 của giáo viên, NLĐ ngành Giáo dục không giống nhau, và đều không đảm bảo yêu cầu “liên tục trong ba tháng tính từ tháng 4/2020. Nếu quy định “cứng” về thời điểm 1/4/2020 thì toàn bộ giáo viên khối trung học phổ thông sẽ không được hưởng hỗ trợ. Trên thực tế, giáo viên ở các cấp học khác vẫn bị ảnh hưởng trong 3 tháng, nhưng nếu xét theo thời điểm trên thì sẽ chỉ được hỗ trợ 1 tháng (tháng 4/2020). Do đó sẽ thiệt thòi cho NLĐ” - ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An cho biết.
![]() |
Theo ông Đặng Văn Hải, để Nghị quyết 154/NQ-CP đi vào cuộc sống, thực sự thể hiện chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước đến đúng đối tượng giáo viên, NLĐ trong ngành Giáo dục khó khăn vì Covid-19 thì nên lấy thời điểm nghỉ dạy làm căn cứ sẽ chính xác hơn.
Kết thúc đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An thống kê được 8.971 trường hợp từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông nằm trong diện hỗ trợ mà Nghị quyết 154/NQ-CP quy định.
Chung quan điểm trên, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội nêu thực tế: "Đợt dịch Covid-19 vừa qua, địa bàn Hà Nội có số lượng lớn giáo viên, NLĐ thuộc đối tượng mà Nghị quyết 154/NQ-CP đề cập. Nhiều nhất giáo viên ở các cơ sở tư thục. Thực tế các giáo viên, NLĐ trong các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội đã tạm dừng hoạt động giảng dạy từ tháng tháng 2, tháng 3/2020 và trở lại làm việc từ tháng 5 theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Do đó, việc quy định thời điểm tính hưởng hỗ trợ ảnh hưởng bởi Covid-19 từ 1/4/2020 thì phần lớn các thầy, cô giáo, NLĐ chỉ được hưởng 1 tháng. Bên cạnh đó, để được nhận 1,8 triệu đồng thì giáo viên phải làm nhiều thủ tục nên nhiều người đã tự nguyện không làm thủ tục xét hưởng mặc dù Công đoàn ngành cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn…"
![]() |
Cô giáo trường tư thục tại Quảng Ninh dọn nhà thuê mùa dịch. Ảnh: ST |
Còn tại tỉnh Bắc Giang, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn 3.000 giáo viên, NLĐ. Với khối mầm non, số người bị ảnh hưởng là 1.218 người. Khối trung học phổ thông có 1.256 giáo viên và 1.182 NLĐ. Đặc biệt khó khăn là NLĐ hợp đồng trong các trường ngoài công lập và cơ sở mầm non độc lập tư thục. Họ phải nghỉ dạy, nghỉ không lương gần 3 tháng, đời sống khó khăn. Trước khi có dịch, các cô cả ngày ở trường với trẻ, mức lương thấp và không có thời gian làm thêm. Khi thực hiện cách ly xã hội, các cô không kiếm được việc làm. Nhiều cô có con nhỏ, cha mẹ ốm đau, không có lương nên cuộc sống rất thiếu thốn. Đối với giáo viên cấp trung học phổ thông cũng không có thu nhập trong hơn 2 tháng đóng cửa trường.
Cô Nguyễn Thị Hương - Trường Mầm non Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), giáo viên nhóm trẻ độc lập Baby House ký hợp đồng công việc từ tháng 12/2019 chia sẻ: “Chồng tôi làm nghề tự do nên hai vợ chồng không có nguồn thu trong mùa Covid-19, lại phải nuôi hai con nhỏ. Xét theo quy định tại Nghị quyết 154/NĐ-CP lấy ngày 1/4/2020 làm thời điểm tính hưởng hỗ trợ thì tôi chỉ được hưởng 1 tháng”.
![]() |
Như vậy, mặc dù giáo viên, NLĐ tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… đã thuộc diện được hưởng hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19 theo Nghị quyết 154/NQ-CP. Tuy nhiên, NLĐ còn gặp khó khăn, vướng mắc ở quy định “tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”.
“Về mặt hồ sơ thủ tục xét hưởng, tôi phải có biên bản thỏa thuận với nhà trường về tạm hoãn hợp đồng lao động. Nhưng trên thực tế là đối với các cô giáo, nhà trường không chủ trương tạm hoãn hợp đồng lao động vì muốn sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ sẵn sàng trở lại giảng dạy. Do đó, không có văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng. Đây là vướng mắc cho NLĐ” - cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường Mầm non Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo thường xuyên vẫn tổ chức giảng dạy, học tập online trong thời gian nghỉ dịch. Dù không đến trường giảng dạy nhưng thực tế là các thầy cô giáo vẫn làm việc, nên không thuộc diện “tạm hoãn hợp đồng lao động”.
“Nghị quyết 154/NQ-CP quy định giáo viên tạm hoãn hợp đồng, không có thu nhập từ một tháng trở lên nên khiến nhiều giáo viên, cô nuôi không đáp ứng điều kiện. Bởi lẽ, các cơ sở giáo dục có đặc thù rất khác doanh nghiệp. Phần lớn các cơ sở giáo dục không chấm dứt hợp đồng lao động vì nếu chấm dứt thì sẽ khó tuyển dụng giáo viên trở lại làm việc ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An phản ánh.
Theo tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục một số tỉnh, thành trong cả nước, Chính phủ nên tiếp tục xem xét để tháo gỡ khó khăn về điều kiện. Từ đó, NLĐ thuận lợi hơn khi tiếp cận được chính sách chăm lo.
Trong thời gian qua, các cấp công đoàn đã kịp thời có sự chăm lo cho NLĐ. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã phát động trong toàn ngành kêu gọi các giáo viên khối công lập ủng hộ giáo viên khối ngoài công lập tổng số tiền 1, 1 tỷ đồng (cho hơn 1.486 người). Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã kêu gọi cán bộ, nhà giáo khối công lập ủng hộ giáo viên, NLĐ tại các cơ sở ngoài công lập tổng số tiền 2,6 tỷ đồng giúp NLĐ vượt qua khó khăn…
Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng có văn bản đề nghị Công đoàn ngành các tỉnh, thành phố trong cả nước rà soát danh sách để kịp thời chăm lo cho NLĐ… Hàng chục nghìn giáo viên các đơn vị tư thục ngoài công lập, giáo viên hợp đồng thỉnh giảng, cô nuôi trong các đơn vị mầm non công lập, NLĐ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo đã được các cấp Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chăm lo, hỗ trợ kịp thời.
Bài: Duy Minh
Ảnh: Duy Minh, ST
Đồ họa: Duy Minh